Phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận trong các doanh nghiệp thương mại

Phương pháp phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận (thường được gọi tắt là phân tích CVP) ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp. Mục đích của phân tích chi phí – khối lượng – lợi nhuận chính là phân tích cơ cấu chi phí hay nói cách khác là nhằm phân tích rủi ro từ cơ cấu chi phí này. Dựa trên những dự báo về khối lượng hoạt động, doanh nghiệp đưa ra cơ cấu chi phí phù hợp để đạt được lợi nhuận cao nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khái quát về chi phí – khối lượng – lợi nhuận

Kế toán quản trị không chỉ cung cấp những thông tin chi tiết, cụ thể theo yêu cầu quản lý mà còn phát hiện nhiều khả năng tiềm ẩn của doanh nghiệp (DN) chưa khai thác như: Tình hình tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn nhân, tài, vật lực của DN. Một trong những đối tượng mà kế toán quản trị nghiên cứu là mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận (Cost – Volume – Profit (CVP). Mối quan hệ CVP là một trong những mối quan hệ kinh tế cơ bản thể hiện sự liên quan giữa các nhân tố giá bán, sản lượng, chi phí. Thông qua việc nghiên cứu và nắm vững mối quan hệ CVP, nhà quản trị có thể khai thác tối đa các khả năng tiềm tàng của DN, sử dụng và phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực trong DN nhằm thực hiện tốt hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là cơ sở cho việc đưa ra các quyết định lựa chọn hay điều chỉnh phương thức sản xuất kinh doanh… nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Các khái niệm cơ bản sử dụng trong phân tích CVP

Số dư đảm phí

Tổng số dư đảm phí (SDĐP): Là số dư biểu hiện bằng số tuyệt đối tổng số tiền còn lại của doanh thu bán hàng sau khi đã trừ đi tổng biến phí (Hay là số chênh lệch giữa doanh thu và tổng biến phí). SDĐP có thể tính cho tất cả loại sản phẩm, một sản phẩm và một đơn vị sản phẩm.

Tổng SDĐP được sử dụng trước hết để trang trải định phí, phần còn lại đó là lãi thuần trong kỳ. Nếu tổng số dư đảm phí không trang trải đủ định phí công ty sẽ bị lỗ, nếu trang trải vừa đủ định phí thì công ty sẽ hòa vốn. Khi tổng số dư đảm phí lớn hơn tổng định phí, có nghĩa rằng công ty hoạt động có lợi nhuận. Lợi nhuận được tính bằng cách lấy tổng số dư đảm phí trừ định phí .

SDĐP đơn vị: Là số dư đảm phí tính cho 1 đơn vị sản phẩm. Khi tính cho một đơn vị sản phẩm, số dư đảm phí còn gọi là “phần đóng góp”, vậy phần đóng góp là phần còn lại của đơn giá bán sau khi trừ đi biến phí đơn vị.

Gọi: x là sản lượng tiêu thụ

P: Giá bán

b: Biến phí đơn vị

A: Định phí

X: Mức độ hoạt động (sản lượng)

Khi DN không hoạt động, sản lượng X=0, lợi nhuận của DN = - A, DN lỗ bằng định phí;

Khi DN hoạt động tại sản lượng Xo, ở đó SDĐP bằng định phí, lợi nhuận của DN =0, DN hòa vốn;

Sản lượng hòa vốn = Chi phí bất biến/SDĐP đơn vị

Khi DN hoạt động tại sản lượng X1> Xo, lợi nhuận của DN = (P-b)X1 – A

Khi DN hoạt động tại mức sản lượng X2> xX1> X0, lợi nhuận DN = (P-b)X2 – A

Như vậy, khi sản lượng tăng một lượng ∆X = X2 - X1

Lợi nhuận tăng một lượng ∆P = (P-b)(X2-X1) = (P-b)∆X

Thông qua khái niệm về SDĐP, có thể thấy, mối quan hệ giữa sự thay đổi về sản lượng tiêu thụ và lợi nhuận. Nếu sản lượng tăng thêm thì lợi nhuận tăng thêm bằng chính sản lượng tăng thêm đó nhân với SDĐP đơn vị. Điều này chỉ đúng khi DN vượt qua điểm hòa vốn.

Việc sử dụng khái niệm SDĐP cũng có nhược điểm là: Không giúp nhà quản lý có được cái nhìn tổng quát ở giác độ toàn bộ doanh nghiệp nếu công ty sản xuất và kinh doanh nhiều loại sản phẩm bởi vì sản lượng cho từng sản phẩm không thể tổng hợp ở toàn DN; Làm cho nhà quản lý dễ nhầm lẫn trong việc ra quyết định bởi vì tưởng rằng tăng doanh thu của những sản phẩm có SDĐP lớn thì lợi nhuận tăng lên nhưng điều này có khi hoàn toàn ngược lại.

Tỷ lệ số dư đảm phí

Tỷ lệ SDĐP là tỷ lệ phần trăm của SDĐP tính trên doanh thu hoặc giữa phần đóng góp với đơn giá bán. Chỉ tiêu này có thể tính trên tất cả các loại sản phẩm, một loại sản phẩm (cũng bằng một đơn vị sản phẩm).

Tỷ lệ SDĐP = P-b/P x 100%

Ý nghĩa của Tỷ lệ SDĐP đối với các nhà quản trị:

Tỷ lệ SDĐP cho biết khi doanh thu tăng lên 1 đồng thì trong mức tăng đó có bao nhiêu đồng thuộc về tổng SDĐP. Khi DN hòa vốn, tỷ lệ SDĐP cũng chính là tỷ lệ tăng lợi nhuận khi doanh thu tiêu thụ tăng lên.

Tỷ lệ SDĐP cho phép DN xác định khả năng sinh lời của từng loại sản phẩm; Tỷ lệ SDĐP là một kênh thông tin quan trọng khi đánh giá hiệu quả kinh doanh của các sản phẩm, dịch vụ, phương án đầu tư, được dùng để so sánh với các chỉ tiêu khác khi đưa ra quyết định lựa chọn phương án kinh doanh tối ưu.

Kết cấu chi phí

Kết cấu chi phí là một chỉ tiêu tương đối phản ánh mối quan hệ tỷ lệ định phí và biến phí của một tổ chức DN. Phân tích kết cấu chi phí là nội dung quan trọng của phân tích hoạt động kinh doanh, vì kết cấu chi phí có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận khi mức độ hoạt động thay đổi.

Thông thường DN sẽ hoạt động theo 2 dạng kết cấu chi phí sau:

Định phí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí thì biến phí chiếm tỷ trọng nhỏ, từ đó suy ra tỷ lệ SDĐP lớn, nếu tăng (giảm) doanh thu thì lợi nhuận tăng (giảm) nhiều hơn. DN có định phí chiếm tỷ trọng lớn thường là DN có mức đầu tư lớn, vì vậy nếu gặp thuận lợi thì tốc độ phát triển của những DN này sẽ rất nhanh và ngược lại nếu gặp rủi ro doanh thu giảm thì lợi nhuận sẽ giảm nhanh hoặc sẽ nhanh chóng phá sản nếu sản phẩm không tiêu thụ được.

Định phí chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi phí thì biến phí chiếm tỷ trọng lớn, từ đó suy ra tỷ lệ SDĐP nhỏ, nếu tăng (giảm) doanh thu thì lợi nhuận tăng (giảm) ít hơn. Những DN có định phí chiếm tỷ trọng nhỏ thường là những DN có mức đầu tư thấp do đó tốc độ phát triển chậm, nhưng nếu gặp rủi ro, lượng tiêu thụ giảm hoặc sản phẩm không tiêu thụ được thì thiệt hại sẽ lớn hơn.

Hai dạng kết cấu chi phí trên đều có ưu và nhược điểm. Tùy theo đặc điểm kinh doanh và mục tiêu kinh doanh của mình mà mỗi DN xác lập một kết cấu chi phí cho riêng mình. Tuy vậy, khi dự định xác lập một kết cấu chi phí, cần phải xem xét các yếu tố tác động như: kế hoạch phát triển dài hạn và trước mắt của DN, tình hình biến động của doanh số hàng năm, quan điểm của các nhà quản trị đối với rủi ro...

Đòn bẩy kinh doanh

Đòn bẩy kinh doanh (ĐBKD) là một chỉ tiêu phản ánh mức độ sử dụng định phí trong tổ chức DN. Do vậy, ĐBKD sẽ lớn ở các DN có tỷ lệ định phí cao hơn biến phí trong tổng chi phí và nhỏ ở các DN có kết cấu chi phí ngược lại. Điều này cũng có nghĩa là DN có ĐBKD lớn thì tỷ lệ định phí trong tổng chi phí lớn hơn biến phí, do đó lợi nhuận của DN sẽ rất nhạy cảm với thị trường doanh thu biến động, bất kỳ sự biến động nhỏ nào của doanh thu cũng sẽ gây ra biến động lớn về lợi nhuận.

Độ lớn của ĐBKD ở một mức doanh thu nhất định của DN được xác định theo công thức sau:

Độ lớn của ĐBKD = (Tổng SDĐP)/(Lãi thuần)=(Tổng SDĐP)/(Tổng SDĐP-Định phí)

Độ lớn ĐBKD là một công cụ đo lường ở mức doanh thu nhất định, khi có 1% doanh thu thay đổi thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận.

Mặc dù có những hạn chế nhất định, song lý thuyết về mối quan hệ CVP nói chung, điểm hòa vốn nói riêng vẫn có những ý nghĩa to lớn trong nghiên cứu lý luận và ứng dụng thực tiễn. Việc nghiên cứu mối quan hệ CVP là phần không thể thiếu trong tác nghiệp của nhà quản lý nhưng cũng cần phải thận trọng khi sử dụng kết quả phân tích mối quan hệ này.

Giải pháp ứng dụng phân tích CVP trong doanh nghiệp thương mại

Hiện nay, việc phân tích mối quan hệ CVP trong các DN thương mại ngày càng trở nên quan trọng. Thực tế cho thấy, nếu các DN vận dụng linh hoạt mối quan hệ đó sẽ thu được lợi ích kinh tế như mong muốn, tận dụng được tối đa nguồn lực kinh doanh của mình. Tuy nhiên, hiện nay việc phân tích mối quan hệ CVP truyền thống mà các DN thương mại hiện đang sử dụng có nhiều hạn chế vì: Không xem xét đến chi phí sử dụng vốn, chi phí chìm, chi phí khác mà kế toán quản trị không xét đến của mỗi quyết định kinh doanh; Không xem xét đến cấu trúc tài sản cần cho mỗi quyết định; Không xem xét đến rủi ro của mỗi quyết định; Chưa xem xét đến chi phí cơ hội của từng phương án kinh doanh

Với các lý do trên, việc tính lợi nhuận chưa phải là con số chính xác, vì vậy tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Về việc áp dụng hệ thống kế toán quản trị

Tại nhiều quốc gia, việc áp dụng kế toán quản trị trong DN không hề mới nhưng tại Việt Nam, kế toán quản trị mới chỉ được ghi nhận chính thức trong Luật Kế toán và Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/06/2006 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, để phát huy hết thế mạnh, khắc phục những hạn chế của mình, các DN cần tiến hành xây dựng một hệ thống quản lý hoạt động kinh doanh cũng như áp dụng công tác kế toán quản trị và áp dụng như một hệ thống thiết yếu trong quá trình kinh doanh.

DN cần nhanh chóng phát phát triển và kiện toàn hệ thống xử lý thông tin hoạt động kinh doanh tự động hóa. Đây là điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tiền để áp dụng kế toán quản trị và kế toán quản trị chỉ có thể, tác động tích cực, hiệu quả với điều kiện xử lý thông tin hiện đại.

Về việc tăng doanh thu

Để tăng doanh thu, DN cần nắm vững nhu cầu thị trường, đánh giá vòng đời phát triển của sản phẩm; Tích cực khai thác nguồn hàng tốt, phương thức mua bán thuận tiện.

Về việc kiểm soát và giảm chi phí

Để quản trị chi phí hiệu quả, DN cần tập trung làm tốt việc: Tiến hành phân tích và đưa ra một cơ cấu chi phí và nguồn vốn huy động tối ưu cho từng đơn vị trong toàn DN trong từng thời kỳ; Thiết lập một chính sách phân chia chi phí cùng các mức lợi nhuận hợp lý; Kiểm soát về việc sử dụng tài sản trong DN, tránh tình trạng sử dụng lãng phí, sai mục đích; Thu nhập thông tin về chi phí thực tế và lập định mức chi phí; Phân tích biến động giá cả trên thị trường định kỳ.

Để cắt giảm chi phí được hiểu quả, DN cần, phân tích quy trình tạo nên giá trị gia tăng để biết đâu là chi phí tốt, chi phí xấu; Xác định mức tồn kho hợp lý, dự toán tình hình thị trường, tránh sự gia tăng giá quá cao sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến chi phí, lợi nhuận; Lập dự toán chi phí ngắn hạn; Thực hiện công khai chi phí và đề ra những biện pháp cụ thể tiết kiệm chi phí.Ngoài ra định kỳ, DN nên tiến hành phân tích tình hình lợi nhuận để thường xuyên thấy được những biến động của lợi nhuận, qua đó thấy được nguyên nhân tăng, giảm lợi nhuận, từ đó đề ra những biện pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, đồng thời phát huy tối đa những điểm mạnh sao cho mang lại hiệu quả cao nhất.

Tài liệu tham khảo:

Quốc hội (2015), Luật Kế toán;

Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/6/2006 hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp;

Đề tài NCKH SV Mã số: SV2014-AC-002, năm 2015, Đào Duy Khánh, Trường Đại học kinh tế & QTKD Thái Nguyên;

Giáo trình Kế toán quản trị, Đỗ Thị Thúy Phương, NXB Đại học Thái Nguyên năm 2015.

ThS. Hoàng Thị Nguyệt, Nguyễn Hải Hậu, Dương Thị Tuyết - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 03/2020

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phan-tich-moi-quan-he-chi-phi-khoi-luong-loi-nhuan-trong-cac-doanh-nghiep-thuong-mai-322171.html