Phân tích phổ điểm, chuyên gia dự đoán điểm chuẩn không nhiều biến động

Từ kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, các chuyên gia dự đoán: Điểm chuẩn vào đại học không có nhiều biến động; trong đó những ngành 'hot' như y dược, công nghệ thông tin sẽ ổn định như năm trước.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG

Điểm chuẩn ngành “hot” không giảm

Cô Quảng Thị Kiệp - giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) - nhận xét: Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay khá đẹp. Các trường đại học có thể tin tưởng sử dụng kết quả này để làm căn cứ xét tuyển. Năm nay, điểm chuẩn vào các trường đại học sẽ không có nhiều biến động, đặc biệt là một số ngành “hot” thuộc lĩnh vực: Y dược, công nghệ thông tin sẽ không giảm so với năm trước.

“Điểm chuẩn ngành Y Đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội khoảng 27,5. Cũng ngành này của các Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế), ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, mức điểm chuẩn lần lượt là: 25,75 – 27 điểm. Khối ngành dược có thể thấp hơn y đa khoa từ 0,75 cho đến 1 điểm” – cô Kiệp nêu ý kiến.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay có thêm phương thức xét kết quả bài thi đánh giá tư duy, chiếm 50 - 60% chỉ tiêu. Phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn khoảng 20 - 30%. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng nhà trường, chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm, số lượng điểm 10 của thí sinh cũng giảm nên điểm chuẩn những ngành “hot” như công nghệ thông tin, tự động hóa được dự báo giữ ổn định như năm 2021.

Năm ngoái, điểm chuẩn vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dao động từ 23,53 - 28,43 điểm. Trong đó, 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất - trên 28 điểm là: Khoa học máy tính với 28,43 điểm; Kỹ thuật máy tính lấy 28,1 điểm; ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo: 28,04 điểm. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Quản lý Tài nguyên và Môi trường: 23,53 điểm.

Qua phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, một số tổ hợp năm nay cao hơn năm trước như: A00, A01. Các chuyên gia cho rằng, những ngành học, cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các tổ hợp này điểm chuẩn sẽ tăng không đáng kể và không ảnh hưởng đến nguyện vọng của thí sinh. Cụ thể, ngành học xét tuyển khối A00 (Toán, Lý, Hóa) điểm chuẩn sẽ tăng từ 0,5 đến 1 điểm, còn tổ hợp liên quan đến Ngoại ngữ như D01 (Toán, Văn, Anh) điểm chuẩn sẽ giảm.

TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) - dự đoán, điểm chuẩn khối khoa học sức khỏe sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2021. Bởi thực tế, số thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên không nhiều như năm trước. Riêng môn Sinh học, điểm thi thấp, số thí sinh trúng tuyển có điều kiện bằng các phương thức xét tuyển riêng của trường cũng không nhiều.

Tuy nhiên, TS Võ Thanh Hải cho rằng, khối ngành công nghệ thông tin, điểm chuẩn có thể cao hơn so với năm trước. Lý do, khối ngành này được các trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm nên số thí sinh cạnh tranh theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT tăng lên, trong khi chỉ tiêu lại ít đi. Thứ nữa, điểm thi khối A không thay đổi so với 2021 nhưng số thí sinh điểm từ 20 - 25 của khối này lại chiếm số lượng lớn.

Cho rằng, cơ bản phổ điểm năm nay từ 21 - 26, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhận xét, điểm thi của các tổ hợp xét tuyển không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Mặt khác, với các ngành nhu cầu xã hội cao, điểm trúng tuyển đầu vào vẫn cao nhưng khó xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học như năm trước. Năm nay, có thể nhiều trường sẽ lấy tăng chỉ tiêu để đảm bảo số lượng đầu vào.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: TG

Không bỏ dở quy trình đăng ký

Theo các chuyên gia, hiện có hai xu hướng đặt nguyện vọng xét tuyển: Nhóm thí sinh chọn trường yêu thích nên đặt nguyện vọng vào tất cả ngành trong cùng một trường và nhóm thí sinh chọn theo ngành yêu thích. Tức là, đặt nguyện vọng vào cùng một ngành ở nhiều trường khác nhau.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý Đào tạo (Học viện Tài chính) - tư vấn: Thí sinh điểm cao nên đặt nguyện vọng 1 vào ngành yêu thích ở trường mong muốn học. Trường hợp không đạt thì vẫn còn các nguyện vọng tiếp theo. Với những thí sinh có kết quả điểm thi chưa cao, nên chọn trường có điểm dự kiến bằng hoặc thấp hơn điểm mình đã đạt được để tránh rủi ro khi hệ thống tiến hành xét tuyển, lọc ảo.

Với trường hợp đã đăng ký xét tuyển sớm bằng nhiều hình thức khác nhau và có điểm thi tốt nghiệp THPT cao, nên tận dụng tất cả cơ hội, phương thức xét tuyển, nhằm đảm bảo lợi thế có được ngành học, trường học đúng mong muốn. “Thời gian đăng ký xét tuyển còn dài, vì vậy, thí sinh cần bình tĩnh xem xét thông tin của các trường để có điều chỉnh và lựa chọn đúng đắn” - PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch khuyến cáo.

Tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng (ngày 24/7), TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - lưu ý: Trong quá trình đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của các em.

Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng. Để có đủ thông tin xét tuyển, học sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh để không bị nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng, chọn ngành, tránh sai sót và ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sau này.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 20/8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần. Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung do các em quyết định. Các nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành, phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết; trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phan-tich-pho-diem-chuyen-gia-du-doan-diem-chuan-khong-nhieu-bien-dong-post602283.html