Phản ứng của các bên khi quân đội Gabon đảo chính, lật đổ tổng thống vừa đắc cử
Dư luận quốc tế đã lên tiếng về việc quân đội Gabon tuyên bố đảo chính, chỉ vài phút sau khi Tổng thống Ali Bongo vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.
Các quan chức quân đội cấp cao của Gabon đã xuất hiện trên truyền hình ngày 30/8 để tuyên bố nắm quyền, không lâu sau khi cơ quan bầu cử nước này thông báo Tổng thống Ali Bongo giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba.
Sau khi nhận thấy "sự quản lý vô trách nhiệm và khó đoán dẫn đến sự gắn kết xã hội suy giảm liên tục, có nguy cơ đẩy đất nước vào hỗn loạn, chúng tôi quyết định bảo vệ hòa bình bằng cách chấm dứt chế độ hiện tại", một trong các quan chức quân đội cho hay trên kênh truyền hình Gabon 24.
Hiện chưa có bình luận từ phía chính phủ Gabon.
Quân đội cũng thông báo đóng cửa biên giới vô thời hạn. Các quan chức quân đội cho biết, Gabon "đang trên đường tới hạnh phúc" và khẳng định sẽ tôn trọng các cam kết với "cộng đồng quốc gia và quốc tế".
Phản ứng trước sự kiện này, Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell thông báo, các bộ trưởng quốc phòng trong khối đang thảo luận về tình hình Gabon.
"Nếu điều này được xác nhận, đây sẽ là một cuộc đảo chính quân sự nữa làm gia tăng sự bất ổn trong toàn bộ khu vực", ông Borrell nhận định trong cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng EU ở Toledo, Tây Ban Nha.
"Toàn bộ khu vực, bắt đầu là Cộng hòa Trung Phi, sau đó là Mali, Burkina Faso, rồi bây giờ là Niger, có lẽ là thêm Gabon. Đây là một tình hình rất khó khăn và chắc chắn các bộ trưởng phải suy nghĩ kỹ lưỡng về những gì đang diễn ra ở đây cũng như cách thức chúng tôi có thể cải thiện chính sách của mình đối với các quốc gia này. Đây là một vấn đề lớn với châu Âu", ông Borrell nói.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết, Paris đang theo dõi các sự kiện ở Gabon với "sự chú ý lớn nhất".
Bình luận của ông Borne là phản ứng đầu tiên từ Pháp, quốc gia mà ảnh hưởng và các lợi ích ở châu Phi được cho là đang bị suy yếu bởi một loạt cuộc đảo chính gần đây lật đổ các chính phủ thân phương Tây.
Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi "tất cả các bên" ở Gabon đảm bảo an toàn cho Tổng thống Ali Bongo Ondimba sau khi nhóm quan chức quân đội tuyên bố họ sẽ "đặt dấu chấm hết cho chế độ hiện tại" ở quốc gia Trung Phi này.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hành động dựa trên các lợi ích cơ bản của quốc gia và người dân, giải quyết khác biệt qua đối thoại và khôi phục trật tự bình thường sớm nhất có thể", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay ngày 30/8.
Ông Uông Văn Bân cũng kêu gọi các bên "đảm bảo an toàn cho Tổng thống Bongo cũng như duy trì sự ổn định và hòa bình quốc gia".
Ovigwe Eguegu, nhà phân tích thuộc công ty tham vấn an ninh Afripolitika nhận định, cuộc đảo chính ở Gabon không giống các cuộc đảo chính khác ở Tây Phi. Theo ông, cuộc đảo chính ở Gabon diễn ra bất ngờ nhưng ở một mức độ nào đó không thực sự gây ngạc nhiên bởi nếu quay về năm 2016, thời điểm cũng diễn ra một cuộc bầu cử, người dân đã phản đối kết quả bầu cử và đó là nhiệm kỳ thứ hai của ông Ali Bongo.
"Rồi vào năm 2019, một nỗ lực đảo chính nữa diễn ra và các quan chức quân sự đã dẫn ra những điều trái với quy định bầu cử, đồng thời nói rằng kết quả này không đại diện cho ý chí của người dân", chuyên gia Eguegu nói.
Theo ông: "Một lần nữa chúng ta lại chứng kiến cùng một diễn biến. Cuộc đảo chính ở Gabon khác với những gì chúng ta đang chứng kiến ở các nước Tây Phi khác. Trong khi các cuộc đảo chính kia tập trung vào an ninh và quản lý thì cuộc đảo chính này tập trung cụ thể vào tiến trình bầu cử".