Phản ứng của dư luận xã hội và quan điểm lạ của Phó phòng giáo dục Vĩnh Thuận
Nhìn chung, phản ứng của xã hội trên mạng xã hội rất gay gắt. Dường như không hề có bất cứ sự cảm thông nào dành cho hành vi 'lạ' của bà hiệu trưởng.
Ngày khai giảng năm học 2019-2020 (5/9/2019), bà Trịnh Ngọc Thùy Mai - Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Phong 4 (Vĩnh Thuận, Kiên Giang) đã có hành động “lạ” đó là đạo diễn cho thuộc cấp mời bà lên sân khấu nhận thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, dù bà Trịnh Ngọc Thùy Mai không được Hội đồng thi đua huyện Vĩnh Thuận công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua.
Hành động “kỳ quái” của bà hiệu trưởng Trịnh Ngọc Thùy Mai đã khiến cộng đồng mạng xôn xao suốt những ngày qua.
Nhìn chung, phản ứng của xã hội trên mạng xã hội rất gay gắt. Dường như không hề có bất cứ sự cảm thông nào dành cho hành vi “lạ” của bà hiệu trưởng.
Hành vi xấu xí của bà Trịnh Ngọc Thùy Mai đã tạo ra một làn sóng giận dữ trong xã hội, bạn đọc có tên Poet Hansy bình luận:
“Cô Thùy Mai đã “diễn” trước đại diện các cấp lãnh đạo từ huyện đến xã. Và hơn hết, đó là việc diễn trước hàng chục giáo viên cũng như hơn 300 học sinh của trường. Sao ngay lúc đó chẳng có ai phát hiện việc diễn "láo" vậy nhỉ?”.
Bạn đọc Thành Lê đề nghị: “Đề nghị ngành giáo dục địa phương, cần phải làm rõ vụ việc này, để không còn những hình ảnh làm xấu đi ngành giáo dục”.
Bạn Nguyễn Thị Thục bức xúc: “Bệnh thành tích đã ngấm vào máu, di căn khắp nội tạng rồi. Không thể chữa được”. [1]
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đã nhấn mạnh quan điểm của mình trước hành vi gian dối này như sau:
“Trong câu chuyện trên, tư duy của một người đứng đầu trường học mà lại chạy theo hư danh như vậy, theo tôi thấy, biểu hiện của bệnh thành tích đã ở mức “ung thư giai đoạn cuối”, đã “di căn”, có lẽ chỉ còn chờ đưa về nhà…”.
Đồng quan điểm với Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đây là một hình ảnh “xấu xí”, “méo mó” và “bậy bạ”.
Ông Trần Xuân Nhĩ nhận định: “Theo tôi, cách ứng xử của cấp lãnh đạo trước những hiện tượng như vậy là không thể nào bao che được, bởi vì mọi việc đã quá rõ ràng rồi.
Đó là một sự giả dối trắng trợn! Giả dối như vậy thì còn giáo dục ai nữa. Phải thẳng tay loại bỏ những “con sâu” để “thanh lọc” môi trường giáo dục”. [2]
Trái với những phản ứng gay gắt của dư luận xã hội trong vụ hiệu trưởng diễn kịch, bà Ngô Thị Ngọc Hạnh - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận lại có phản ứng khá nhẹ nhàng.
Cụ thể, với vai trò là lãnh đạo phụ trách chỉ đạo cụm trường (theo kế hoạch phân công của Ban lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận), bà Ngô Thị Ngọc Hạnh - Phó phòng Giáo dục Vĩnh Thuận đã đưa ra quan điểm rất lạ trong buổi họp “cấp tốc” cùng các thành viên cốt cán nhà trường.
Nhà trường cần tìm hiểu để làm rõ xem động cơ “diễn kịch” của bà Thùy Mai là chủ quan hay khách quan?
Bà Ngọc Hạnh cũng băn khoăn, nêu thắc mắc không biết vì sao hình ảnh bà Thùy Mai đóng kịch nhận thưởng trên sân khấu lại “lọt” ra ngoài?
Đồng thời, bà Ngô Thị Ngọc Hạnh thuyết giáo để có những định hướng cho nội bộ nhà trường bằng những lời “gan ruột”.
“Đừng vạch áo cho người xem lưng, tội lắm, “chín bỏ làm mười”, “báo chí nó đã lên rồi, báo chí tác động rất là mạnh”…
Hơn thế, bà Ngô Thị Ngọc Hạnh cũng cho rằng, tất cả các thông tin về vụ việc hiệu trưởng nhà trường đóng kịch để nhận thưởng đã được báo chí thông tin là do có nguyên nhân từ sự mất đoàn kết trong nội bộ ban lãnh đạo nhà trường.
Thông tin từ “nội bộ đưa ra” do vậy để chấn chỉnh tình hình nội bộ, bà Ngô Thị Ngọc Hạnh đưa ra quan điểm chỉ đạo:
“Giáo viên trường này tốt lắm, hiệu trưởng và hiệu phó là cha mẹ mà cự hoài trong khi con cái lại ngoan, sao cha mẹ không học con mình đi?”.
Tư liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hieu-truong-khong-dat-chien-si-thi-dua-van-len-san-khau-nhan-danh-hieu-post202304.gd
[2] //www.nguoiduatin.vn/hieu-truong-khong-dat-chien-si-thi-dua-dien-kich-nhan-danh-hieu-can-benh-thanh-tich-da-di-can-a448600.html