Phản ứng của thầy cô và teen 2K5 ra sao trước đề nghị bỏ xét tuyển Đại học bằng học bạ?
Việc cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét bỏ việc xét tuyển Đại học bằng học bạ do nảy sinh nhiều vấn đề đã tạo ra không ít ý kiến trái chiều trong cộng đồng teen 2K5.
Kể từ năm 2020, Bộ GD&ĐT quy định các địa phương xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo công thức 70% dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và 30% dựa vào điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh. Nhiều người nhận định đây là phương thức có lợi, tăng cơ hội cho các teen nắm chắc cơ hội vào Đại học.
Tuy nhiên, một trong những nội dung được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa gửi tới Bộ GD&ĐT trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là “Nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học (ĐH) bằng học bạ, bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm" ở các nhà trường".
Lo ngại việc "chạy điểm" trong học bạ gây ra nhiều bất công cho học sinh
Không thể phủ nhận rằng phương thức xét tuyển Đại học bằng học bạ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, đồng thời làm đa dạng phương thức tuyển sinh của các trường. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng phương thức xét tuyển học bạ là không công bằng với các thí sinh bởi mỗi trường sẽ có cách đánh giá và cho điểm khác nhau.
Cô Thu Hương (giáo viên Tiếng Anh, Đồng Nai) chia sẻ những năm gần đây học bạ dần “mất giá trị” khi nhiều học sinh cố gắng để “làm đẹp” học bạ bằng những số điểm ảo trong các kỳ kiểm tra. “Các bài kiểm tra thường xuyên sẽ dễ hơn và không chặt chẽ như kỳ thi tốt nghiệp nên đương nhiên sẽ có nhiều điểm cao” - cô Hương nhận định.
Ngoài ra, cô cho biết vì “bệnh thành tích” nhiều học sinh cũng tự tạo ra những áp lực không đáng có cho bản thân và cho phía nhà trường. Việc chạy theo những tiêu chuẩn thành tích sẽ khiến các em dễ mắc sai lầm trong học tập và khó thể thành công.
Thầy Lê Minh Châu (giáo viên Tiếng Anh, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) đồng ý về việc bỏ xét tuyển bằng học bạ. Thầy Châu cho biết: "Xét học bạ nảy sinh nhiều tiêu cực, đặc biệt là điểm ảo". Theo thầy, nếu như bỏ xét học bạ thì cách tuyển sinh công bằng nhất là bỏ luôn thi tốt nghiệp và chỉ giữ lại kỳ thi xét tuyển đại học (thay vì gộp chung như hiện tại). Trong đề thi đại học sẽ được sắp xếp từ dễ tới khó giúp phân loại học sinh và đánh giá đúng thực lực của học sinh.
Bạn Nguyễn Lê Khanh (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) dù cũng ủng hộ việc bỏ xét tuyển học bạ, nhưng cho rằng cần có thời gian để teen làm quen. "Vì nhiều người giống như mình từ khi lên cấp Ba đã xác định sẽ dùng điểm học bạ nên cần thời gian thích nghi, đồng thời thay đổi cách dạy và đề thi để đánh giá tổng quát năng lực thật sự của học sinh."
Xét học bạ vẫn là phương thức được nhiều teen 2K5 “thả tim”
Trong những năm gần đây, bên cạnh việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, hầu hết các trường đại học đều triển khai thêm phương thức xét học bạ. Phương thức này giúp các sĩ tử phần nào an tâm hơn khi có một “phương án dự phòng” cho bản thân trước khi bước vào kỳ thi quan trọng nhất.
Chia sẻ với Hoa Học Trò Online, bạn Nguyễn Kim Chi (trường THPT chuyên Hưng Yên) cho biết: “Hiện nay, nhiều trường ngoài xét tuyển dựa trên kết quả học tập 3 năm học THPT thì cần có nhiều tiêu chí phụ khác như kết hợp với các chứng chỉ ngoại ngữ, thi học sinh giỏi… Vì vậy, mình nghĩ nếu bỏ xét học bạ thì nhiều bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Cùng quan điểm với Kim Chi, Lê Ngọc Dương Linh (trường THPT Hưng Yên) chia sẻ việc xét tuyển học bạ sẽ giảm bớt áp lực cho teen bởi vì họ có nhiều cơ hội hơn để giành được “tấm vé” vào các trường đại học mình mong muốn.
Tuy nhiên, cô bạn cho biết những năm gần đây, điểm học bạ tăng khá nhiều nên các bạn sĩ tử cần suy nghĩ kĩ lưỡng để chọn những ngành và trường phù hợp với năng lực của bản thân mình.
Các trường Đại học đã bắt đầu công bố phương thức tuyển sinh, trong đó bao gồm cả hình thức xét tuyển bằng học bạ. Bộ GD&ĐT cho biết Luật giáo dục Đại học năm 2018 cho phép các trường Đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Cơ sở giáo dục Đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.