Phản ứng của VN-Index qua những lần Fed hạ lãi suất

Trong 24 năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có 28 lần hạ lãi suất, ngoại trừ năm 2001 và 2007, VN-Index đều có diễn biến tăng tích cực trong vòng 6 tháng tới một năm.

Rạng sáng 19/9 (giờ Việt Nam), Fed chính thức công bố giảm 50 điểm cơ bản vượt dự báo của giới đầu tư giai đoạn trước đó, đưa lãi suất về quanh mức 4,75% - 5%. Trong bài phát biểu của Chủ tịch Fed, việc cắt giảm 50 điểm cơ bản để hỗ trợ thị trường việc làm khi mục tiêu lạm phát đã hạ nhiệt.

Trước đó, trong giai đoạn 2001-2002, 2007-2008 và 2019-2020, Fed đã 28 lần hạ lãi suất với các mục tiêu khác nhau. Trong đó, 2 giai đoạn trước là gắn với khủng hoảng kinh tế năm 2001, 2007 (bong bóng dotcom và nợ bất động sản dưới chuẩn bị vỡ), giai đoạn sau gắn với suy thoái kinh tế và COVID-19.

Trong giai đoạn từ ngày 03/01/2001 đến ngày 25/6/2003, Fed đã có 13 lần thực hiện hạ lãi suất, khoảng -5,5%, giá trị giảm trung bình là -0,42% mỗi lần. Tại chu kỳ hạ lãi suất này của Fed, chỉ số S&P 500 của Mỹ có mức tăng 14,32% và VN-Index cũng hưởng ứng tăng theo tới 66,39%.

Giai đoạn từ ngày 18/9/2007 đến ngày 16/12/2008, Fed đã 10 lần hạ lãi suất, giảm -5,25% (trung bình mỗi lần giảm 0,53%). Phản ứng trước những lần hạ lãi suất của Fed, chỉ số S&P 500 đã tăng 21,59% trong khoảng thời gian trên, còn trong nước, VN-Index cũng phục hồi mạnh mẽ từ đáy năm 2007 và tăng 84,56%.

Gần đây, trong giai đoạn từ ngày 01/8/2019 đến ngày 16/3/2020, do tác động của dịch bệnh COVID-19, Fed đã quyết định hạ lãi suất -2,25% trong 5 lần. Tương tự những giai đoạn trước, chỉ số S&P 500 tiếp tục phản ứng tích cực, tăng mạnh 64,9%, trong khi VN-Index cũng tăng 49,88%.

Biểu đồ VN-Index, lãi suất FED và lãi suất điều hành giai đoạn 2000 - 2024.

Biểu đồ VN-Index, lãi suất FED và lãi suất điều hành giai đoạn 2000 - 2024.

Đánh giá về tác động quyết định hạ lãi suất của Fed tới thị trường chứng khoán Việt Nam, Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán An Bình (ABS Research) cho rằng, giảm lãi suất USD sẽ dẫn đến giảm áp lực tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền đồng.

Điều này giúp giảm chi phí vay vốn bằng ngoại tệ của Việt Nam và hỗ trợ kiềm chế lạm phát do tỷ giá tăng gây ra. Mặt khác, tỷ giá giảm có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với lúc tỷ giá cao kỷ lục, nhưng tác động không quá lớn. Đồng thời, niềm tin vào giá trị đồng nội tệ trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ gia tăng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn khi Fed hạ lãi suất. Trước đây, lãi suất USD duy trì ở mức cao đã gây áp lực lớn về tỷ giá. Như vậy, cơ hội cho dòng tiền ngoại quay trở lại thị trường các nước đang phát triển, trong đó, có Việt Nam là lớn hơn.

Số liệu trong 2 tuần vừa qua cho thấy, khối ngoại đã có động thái mua ròng tại một số thị trường trong ASEAN như Indonesia, Malaysia… Và trong 4 phiên liên tiếp gần đây, khối này cũng đã quay lại mua ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử và từ những phân tích tác động của việc Fed hạ lãi suất, trong ngắn hạn, VN-Index sẽ có xu hướng vận động tích cực hơn.

Bởi, diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ sức mạnh nội tại của nền kinh tế trong nước, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Tuy nhiên, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam và với vị thế ảnh hưởng quan trọng của nền kinh tế Mỹ đối với kinh tế toàn cầu nói chung và quan hệ kinh tế Việt - Mỹ nói riêng, các hành động cụ thể từ chính sách nới lỏng của Fed và kịch bản hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ diễn ra sẽ có tác động không nhỏ đến Việt Nam. Nhà đầu tư cần tiếp tục theo sát diễn biến để có những đánh giá và dự báo kịp thời.

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/phan-ung-cua-vn-index-qua-nhung-lan-fed-ha-lai-suat.html