Phản ứng cứng rắn của ông Trump bất chấp các đòn trả đũa thuế quan

Các chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía: sự lao dốc của thị trường chứng khoán, đòn đáp trả từ các quốc gia khác và cơn giận dữ từ giới doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Trump vẫn duy trì lập trường cứng rắn.

Sau hơn một ngày với những thông điệp mâu thuẫn từ Tổng thống Donald Trump và các quan chức chính phủ Mỹ về việc liệu thuế quan có phải là bước đầu tiên của một cuộc đàm phán hay một sự thay đổi vĩnh viễn trong chính sách kinh tế Mỹ, ông Trump đã bày tỏ lập trường cứng rắn.

Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Truth Social ngày 4/4, ông Trump khẳng định các chính sách do ông đưa ra “sẽ không bao giờ thay đổi”. Đây là tín hiệu khẳng định lập trường của ông đối với chính sách thuế mới ban bố.

Tổng thống Trump công bố chính sách thuế mới của Mỹ tại Vườn Hồng, Nhà Trắng hôm 2/4/2025. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump công bố chính sách thuế mới của Mỹ tại Vườn Hồng, Nhà Trắng hôm 2/4/2025. Ảnh: Reuters

Trước đó một ngày, ông Trump cho biết, các quốc gia đã bắt đầu tìm đến ông để thương thảo, ám chỉ rằng ông sẵn sàng đàm phán với các nhà lãnh đạo nước ngoài trước khi biểu thuế mới chính thức có hiệu lực (ngày 5/4 với mức thuế cơ bản 10% và ngày 9/4 với mức thuế đối ứng cao hơn).

“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán về thuế quan. Tuy nhiên, Washington chỉ cân nhắc nếu nhận được những đề xuất tuyệt vời từ phía đối tác”, ông Trump nói với phóng viên ngày 3/4. Ông cũng nhấn mạnh thuế quan giúp Mỹ có lợi thế lớn trên bàn đàm phán.

Tuy nhiên, thông điệp của ông vào sáng 4/4 lại khác. “Gửi đến các nhà đầu tư đang đến Mỹ và đầu tư một số tiền khổng lồ, các chính sách của tôi sẽ không bao giờ thay đổi. Đây là thời điểm tuyệt vời để làm giàu, giàu hơn bao giờ hết!”, ông Trump viết trên mạng xã hội.

Thông điệp mâu thuẫn và sự hỗn loạn của thị trường

Sự thay đổi liên tục trong quan điểm của chính Tổng thống Trump về mục đích của chính sách thuế quan mới đang làm đảo lộn nỗ lực của các quan chức kinh tế cấp cao của ông trong việc truyền đạt một thông điệp thống nhất rằng thuế đối ứng sẽ có hiệu lực vào ngày 9/4 mà không có bất cứ thay đổi nào.

Cả đồng minh và những người phản đối ông Trump đều nhấn mạnh cần phải có sự thống nhất ở thời điểm quan trọng hiện nay. Việc thiếu tính thống nhất trong việc truyền đạt thông điệp sẽ không giải quyết được mối đe dọa lớn khác đang hiện hữu: các đòn trả đũa.

Trong khi Tổng thống Trump liên tục gửi đi nhiều thông điệp khác nhau, một cố vấn cho biết ông đã chủ động không phát biểu công khai hay trả lời câu hỏi trước ống kính khi thị trường giao dịch vẫn mở cửa trong ngày 4/4.

Mặc dù Nhà Trắng tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ chiến lược thuế quan của Tổng thống, nhưng họ không ngăn được sự bất mãn và tức giận ngày càng dâng cao trong phản ứng đồng loạt trên toàn cầu.

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong ngày thứ hai liên tiếp sau khi Trung Quốc tuyên bố rằng sẽ áp thuế 34% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Chỉ số Dow Jones kết thúc ngày giao dịch giảm hơn 10% so với mức cao kỷ lục vào tháng 12/2014.

“Tổng thống không bị chi phối bởi thông tin từ các thị trường, ông theo dõi các thị trường như những người khác”, một cố vấn chính trị của ông Trump nói với CNN.

Một người từng trò chuyện với ông Trump trong khi thị trường đang giảm giá trong ngày 3/4 cho biết, Tổng thống tỏ ra khá bình tĩnh về kế hoạch của mình, cho rằng thuế quan chỉ là một phần trong một chiến lược kinh tế rộng lớn hơn vẫn đang hình thành. Tuy nhiên, một người khác nói rằng mức độ chấp nhận của ông về việc các thị trường sụt giảm đang tới gần giới hạn.

Nhà Trắng đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các chủ doanh nghiệp và các nhóm vận động, nhưng không rõ Trump có hiểu được mức độ phản ứng tiêu cực và liệu điều này có ảnh hưởng đến lập trường của ông trong những ngày trước khi thuế đối ứng có hiệu lực vào ngày 9/4 hay không.

Phản ứng của Chủ tịch FED và giới doanh nghiệp Mỹ

Phát biểu tại một sự kiện ở Arlington, Virginia, ngày 4/4, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Jerome Powell, nói rằng ngân hàng trung ương đã bị bất ngờ trước quy mô đòn thuế quan của Trump.

“Chúng ta đang đối mặt với một triển vọng rất không chắc chắn với rủi ro cao cả về tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. Mặc dù thuế quan sẽ tạo ra ít nhất một sự gia tăng tạm thời về lạm phát, nhưng nó cũng có thể có tác động kéo dài”, ông Powell cảnh báo.

Trong khi đó, giới doanh nghiệp Mỹ đang rất tức giận. Theo các cuộc trò chuyện với một số giám đốc điều hành, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã nhận được nhiều cuộc gọi giận dữ từ các lãnh đạo doanh nghiệp, một số người trong số họ đang cân nhắc kiện chính quyền về chính sách thuế mới – và cả tình trạng khẩn cấp quốc gia mà ông Trump đưa ra làm lý do cho các biện pháp này.

Một giám đốc điều hành doanh nghiệp ở Washington DC cho biết phạm vi và mức độ mạnh tay trong chính sách thuế quan của Tổng thống đã gây sốc, đặc biệt là khi xét đến số lượng công ty đã phải điều chỉnh công việc làm ăn kinh doanh của họ cho phù hợp với các mục tiêu chính sách mà ông Trump cho là đúng đắn.

Mặc dù có sự phản đối từ nhiều thành viên trong Nội các của ông về việc không cần thiết phải khiến các đồng minh phẫn nộ và làm suy giảm các thị trường toàn cầu, quan điểm của Trump về thuế quan vẫn rất vững chắc.

“Về vấn đề này, ông ấy dường như sẽ không thay đổi”, cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, Peter Navarro cho biết.

Trên Phố Wall, chủ đề được thảo luận phổ biến hiện nay là có nên công khai lên tiếng chống lại chính sách mới của Tổng thống hay không. Các giám đốc điều hành trong khu vực tư nhân cũng đang tranh luận về việc có nên thuê một nhà vận động hành lang thân thiện với ông Trump để cố gắng tìm kiếm một ngoại lệ từ chính sách này hay không.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phan-ung-cung-ran-cua-ong-trump-bat-chap-cac-don-tra-dua-thue-quan-post1189844.vov