Phản ứng mạnh trước quyết định 'né trách nhiệm' của Meta

Tập đoàn Meta, công ty mẹ của Facebook, vừa qua thông báo chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba (phát hiện tin giả) có từ năm 2016, đối với các nội dung trên các nền tảng thuộc sở hữu của Meta, trước mắt tại Mỹ. Quyết định của Meta đã bị chỉ trích mạnh mẽ.

Quyết định của Meta và tỷ phú Mark Zuckerberg bị chỉ trích mạnh mẽ. Ảnh: GETTY IMAGES

Quyết định của Meta và tỷ phú Mark Zuckerberg bị chỉ trích mạnh mẽ. Ảnh: GETTY IMAGES

Người dùng… tự kiểm chứng

Theo Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg, Meta sẽ bắt đầu triển khai dần “Ghi chú cộng đồng” tại Mỹ trong vài tháng tới và cải thiện mô hình này trong năm nay. Theo đó, mô hình mới sẽ cho phép người dùng chỉ ra những bài đăng có thể gây hiểu lầm và cần thêm ngữ cảnh, thay vì các tổ chức và chuyên gia độc lập kiểm chứng thông tin. Các hệ thống tự động của Meta sẽ chỉ tập trung vào các hành vi bất hợp pháp và có mức độ nghiêm trọng cao, trong đó có khủng bố và ma túy.

Tỷ phú Zuckerberg thừa nhận, công ty đã có nhiều sai sót trong kiểm duyệt nội dung. Do đó thời gian tới, Meta sẽ tập trung giảm sai sót và đơn giản hóa chính sách liên quan. Công ty sẽ điều chỉnh các bộ lọc để đòi hỏi độ tin cậy cao hơn nhiều trước khi gỡ bỏ nội dung.

Những thay đổi mới nhất sẽ ảnh hưởng đến Facebook, Instagram và Threads-3 trong số những mạng xã hội lớn nhất với hơn 3 tỷ người dùng trên thế giới. Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã bày tỏ quan ngại về chính sách kiểm duyệt nội dung mới của Meta. Ông Albanese nhấn mạnh, mạng xã hội có trách nhiệm xã hội và nên thực hiện trách nhiệm đó.

Nhà lãnh đạo Australia cũng khẳng định, chính quyền sẽ nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia. Australia là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật cấm trẻ em và thanh thiếu niên dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, có hiệu lực từ cuối năm nay, do lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tâm thần của trẻ em.

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Lula da Silva chỉ trích quyết định của Meta về nới lỏng chính sách kiểm duyệt nội dung, coi bước đi này là “rất nghiêm trọng” bởi sẽ dẫn đến thông tin sai lệch và nguy cơ phát tán ngôn từ mang tính kích động thù hận. Ông Lula da Silva đã yêu cầu Cơ quan phụ trách truyền thông của Phủ Tổng thống triệu tập một cuộc họp khẩn để xem xét quyết định mới của Meta và những tác động của chính sách này đối với Brazil.

Tổng thống Brazil nhấn mạnh, mỗi quốc gia cần bảo vệ chủ quyền của mình và không thể để một số tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới làm ảnh hưởng đến quyền tự quyết của quốc gia.

Bước thụt lùi lớn

Đồng quan điểm với lãnh đạo các nước, nhà đồng sáng lập của Trung tâm Phục hồi thông tin Ross Burley (một mạng lưới các nhà điều tra độc lập, có trụ sở tại Anh) đánh giá, đây là bước thụt lùi lớn trong bối cảnh thông tin sai lệch và nội dung độc hại đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết. “Nếu thiếu những biện pháp thay thế, quyết định này có nguy cơ mở rộng cửa cho đủ loại tin giả”, ông Burley nói.

Giáo sư Michael Wagner tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) cho rằng, việc Meta phó mặc cho người dùng mạng xã hội tự giám sát, khiếu nại các thông tin sai lệch trên chính nền tảng của công ty là hành vi né tránh trách nhiệm xã hội. Trong khi đó, theo Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marsha Blackburn, đây là động thái của Meta nhằm tránh bị quản lý. Nhà báo Philippines Maria Ressa, người từng nhận giải Nobel Hòa bình, cảnh báo việc chấm dứt phát hiện tin giả của Meta mở ra một thời kỳ cực kỳ nguy hiểm với nghề báo.

Theo cuộc khảo sát năm 2023 của Mạng lưới Kiểm tra thông tin quốc tế (IFCN) đối với 137 tổ chức trên hàng chục quốc gia, chương trình của Meta và các khoản tài trợ bên ngoài là “nguồn thu nhập chính” cho các bên kiểm tra thông tin toàn cầu. Do đó, quyết định này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các bên kiểm chứng thông tin tại Mỹ. Giám đốc IFCN Angie Holan cho rằng, quyết định này cũng sẽ ảnh hưởng đến những người dùng mạng xã hội muốn tìm kiếm thông tin chính xác, đáng tin cậy để đưa ra các quyết định của mình.

Với chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba, những nội dung bị đánh giá là sai lệch sẽ bị giảm tần suất xuất hiện trên bảng tin người dùng. Nếu có người định chia sẻ bài đăng, họ sẽ nhận được cảnh báo giải thích vì sao đây là thông tin sai lệch. Trước khi chấm dứt chương trình kiểm chứng, các nền tảng mạng xã hội thuộc sở hữu của Meta như Facebook, WhatsApp và Instagram đã sử dụng dịch vụ chống tin giả của hơn 80 phương tiện truyền thông trên thế giới.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phan-ung-manh-truoc-quyet-dinh-ne-trach-nhiem-cua-meta-post777531.html