Phản ứng trái ngược của người Mỹ về ông Biden

Dân Mỹ đón nhận thông điệp về 'mối đe dọa nền dân chủ' từ ông Biden theo cách trái ngược, khi họ bất đồng và chia rẽ trước câu hỏi bên nào mới thực sự đang thách thức giá trị này.

Tin tốt là một nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc ít nhất đã nhất trí về cùng một chủ đề: Nền dân chủ đang bị đe dọa. Tin xấu là họ bất đồng về thứ đã đe dọa nền dân chủ.

Trong cuộc thăm dò mới nhất của Đại học Quinnipiac, 69% thành viên đảng Dân chủ và 69% cho thấy 69% thành viên đảng Cộng hòa đồng tình nền dân chủ “có nguy cơ sụp đổ”.

Tuy nhiên, một bên đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa MAGA, còn một bên nghĩ là do Tổng thống Joe Biden và các thành viên đảng viên Dân chủ xã hội chủ nghĩa. MAGA là tên viết tắt cho cụm từ "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", một khẩu hiệu của ông Trump.

Do đó, khi ông Biden đưa ra cảnh báo về “số phận của nền dân chủ” trong bài phát biểu hôm 1/9, công chúng Mỹ đã đón nhận thông điệp theo hai cách trái ngược.

New York Times nhận định điều này đã nhấn mạnh sự rạn nứt sâu sắc trong lòng xã hội Mỹ, biến đây trở thành khoảnh khắc gần như không thể khắc phục trong lịch sử nước này. Người Mỹ không chỉ bất đồng trong các vấn đề quan trọng như phá thai, nhập cư và kinh tế, mà họ cũng nhìn thế giới theo cách khác nhau.

“Đáng buồn thay, chúng ta dường như đã quên mất nền tảng của dân chủ, khi dân chủ là một quá trình, không phải lúc nào bên bạn ủng hộ cũng sẽ thắng, và ngay cả khi nhóm bạn ủng hộ thua trong cuộc bầu cử, bạn vẫn có thể đấu tranh cho các chính sách vào lúc khác”, Michael Abramowitz - chủ tịch của Freedom House, nhóm thúc đẩy dân chủ toàn cầu - chia sẻ. “Đây là thách thức khổng lồ với tổng thống, cũng như với tất cả chính trị gia Mỹ”.

Định nghĩa về "dân chủ" trái ngược của 2 đảng

Sự chia rẽ của nước Mỹ khiến nhiệm vụ của ông Biden rõ ràng hơn bao giờ hết. Theo các cố vấn, trong khi ông từng muốn thu hẹp sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ sau chiến thắng, Tổng thống Biden đã ngạc nhiên về cách mà người tiền nhiệm thu hút sự chú ý lâu dài trong nội bộ đảng Cộng hòa.

Do đó, thay vì đoàn kết người Mỹ, mục tiêu của tổng thống chuyển thành đảm bảo nhóm công chúng phản đối ông Trump hoàn toàn cảnh giác với mối đe dọa đến từ cựu tổng thống. Và ông mong biến nỗi sợ hãi này thành chiến thắng nào đó, có lẽ là ngay trong đợt bầu cử giữa kỳ tới.

Tính toán chiến thuật mới này đồng nghĩa với việc ông Biden vấp phải sự phản đối vì từ bỏ lập trường đoàn kết đất nước mà ông vốn theo đuổi. Tuy nhiên, với mùa bầu cử tới gần, tổng thống không còn cần phải lo lắng khi chỉ trích các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ.

Thay vào đó, ông đang giao tiếp với các cử tri nhiều như cách mà ông đã làm vào năm 2020, đặc biệt là tiếp cận phụ nữ sống ở vùng ngoại ô và các nhóm cử tri quan trọng khác tại các bang dao động như Pennsylvania.

Phản ứng của đảng Cộng hòa với bài phát biểu của Tổng thống Biden rất đáng chú ý. Trong nhiều năm, họ lặng lẽ đứng nhìn ông Trump phỉ báng và hạ bệ bất kỳ ai không đồng ý với cựu tổng thống. Tuy nhiên, sau bài phát biểu hôm 1/9, họ đã ngay lập tức lên tiếng và cáo buộc ông Biden là người gây chia rẽ đất nước.

 Trong bài phát biểu tại Philadelphia, ông Biden kêu gọi người Mỹ chống lại các mối đe dọa với nền dân chủ. Ảnh: New York Times.

Trong bài phát biểu tại Philadelphia, ông Biden kêu gọi người Mỹ chống lại các mối đe dọa với nền dân chủ. Ảnh: New York Times.

“Không thể tin nổi một vị tổng thống lại có thể nói nửa dân số Mỹ theo kiểu như vậy”, Nikki Haley - Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời ông Trump - nói. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng: “Các nhà lãnh đạo bảo vệ Hiến pháp Mỹ. Họ không tuyên bố một nửa dân số là kẻ thù của nước Mỹ như ông Joe Biden đã làm đêm qua".

Trước đó, ông Trump đã tìm cách lợi dụng quyền lực để lật ngược kết quả cuộc bầu cử dân chủ, gây sức ép với hàng loạt quan chức chính trị để tại vị. Khi phương án này không có kết quả như ý, ông kích động nhóm người ủng hộ xông vào Điện Capitol, làm gián đoạn việc kiểm phiếu và đe dọa hành quyết người cản đường cựu tổng thống.

Sau khi rời nhiệm sở, ông Trump tiếp tục yêu cầu đảo ngược kết quả bầu cử, thậm chí từng đề nghị phục chức tổng thống. Ông làm tất cả điều này chỉ dựa trên những lời nói vô căn cứ về điều xảy ra vào năm 2020.

Ông buộc nhân viên và ứng cử viên đảng Cộng hòa chấp nhận những tuyên bố này, cài cắm những người từ chối kết quả bầu cử vào các tiểu bang nơi họ có thể tác động đến kiểm phiếu trong tương lai.

Khi nhóm ủng hộ ông Trump nói về nỗi sợ nền dân chủ sụp đổ, họ không đề cập tới hành động của cựu tổng thống mà lo sợ với những lời vô căn cứ mà ông Trump đã tuyên bố. Họ cho rằng chính quyền ông Biden quá tự do, tự do tới mức mà có thể đe dọa tới quyền của chính họ.

“Hai đảng định nghĩa về dân chủ theo những cách khác nhau”, Nicole Hemmer - nhà sử học tại Đại học Vanderbilt - chia sẻ. Bà dẫn ví dụ đảng Cộng hòa đang áp dụng định nghĩa hẹp hơn nhiều, thể hiện rõ trong những vấn đề họ ủng hộ, trong khi đảng Dân chủ ủng hộ hệ thống bỏ phiếu toàn diện hơn.

Các cố vấn cho biết khi chuẩn bị bài phát biểu tại Hội trường Độc lập ở Philadelphia, Tổng thống Biden đau đầu với bài toán làm thế nào để chỉ trích nhóm ông cho là vi hiến mà không miệt thị nhóm đi ngược ý kiến của ông.

Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh bản thân không coi tất cả thành viên đảng Cộng hòa theo chủ nghĩa MAGA. Sau đó, ông nhắc lại thêm lần nữa khi phóng viên Fox News hỏi ông có coi tất cả người ủng hộ ông Trump là mối đe dọa với nước Mỹ không.

“Tôi không coi mọi người ủng hộ ông Trump là mối đe dọa đối với đất nước”, ông Biden trả lời. “Tôi nghĩ mọi cá nhân - kêu gọi sử dụng bạo lực, không lên án bạo lực, từ chối kết quả bầu cử, kiên quyết muốn thay đổi cách nước Mỹ vận hành và kiểm phiếu - là mối đe dọa với nền dân chủ”.

Thông điệp sẽ vang xa tới đâu?

Tuy vậy, vẫn không rõ liệu sau bài phát biểu cứng rắn, ông Biden có đưa ra bất cứ đề xuất chính sách cụ thể nào hay không.

 Ông Trump thường xuyên tận dụng các cuộc tụ họp đông người để chỉ trích nhóm phản đối ông. Ảnh: New York Times.

Ông Trump thường xuyên tận dụng các cuộc tụ họp đông người để chỉ trích nhóm phản đối ông. Ảnh: New York Times.

“Chúng ta cần nền dân chủ không dung túng hay cho phép hoặc tạo điều kiện cho các cuộc tấn công nhằm vào chính đồng bào, cho dù đó là qua đàn áp cử tri, qua những gì chúng ta chứng kiến trong sự kiện 6/1/2021, qua bạo lực của cảnh sát hay qua tư tưởng thượng tôn da trắng”, Damon Hewitt - Chủ tịch Ủy ban Luật sư về Quyền Dân sự theo luật - nhận định.

Các chiến lược gia đảng Dân chủ đã dành nhiều tháng lặng lẽ tích lũy nghiên cứu về cách gán đảng Cộng hòa với từ “cực đoan” trong kỳ bỏ phiếu vắng mặt ông Trump.

Dự án bắt nguồn từ Navin Nayak - Chủ tịch Trung tâm quỹ hành động vì Tiến bộ của Mỹ - cùng với John D. Podesta - cựu trợ lý Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.

Năm nay, các chiến lược gia đảng Dân chủ nhắm đến việc tận dụng nghiên cứu trước đó nhằm xác định các thành viên đảng Cộng hòa MAGA là cốt lõi của đảng này.

"Điều đó cho phép chúng tôi có câu chuyện nhất quán về đảng Cộng hòa bất kể chủ đề có là gì", ông Nayak nói.

Khi tên ông Trump đang xuất hiện khắp các bài báo trên nước Mỹ, các chiến lược gia đảng Dân chủ cho biết họ có cơ hội gắn "các thành viên đảng Cộng hòa MAGA" với cựu tổng thống. Điều này khiến xếp hạng của đảng giảm xuống, tạo cơ hội cho đảng Dân chủ có lợi thế ở các bang như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.

Như thăm dò do Quinnipiac đã chỉ ra, thông điệp này không thể gây tiếng vang với tất cả người Mỹ. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là liệu thông điệp đó có tác động đủ lớn để có thể tạo ra khác biệt hay không.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phan-ung-trai-nguoc-cua-nguoi-my-ve-ong-biden-post1351899.html