Phản ứng trước thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ và Papua New Guinea

Ngày 22/5 Mỹ và New Guinea sẽ ký thỏa thuận an ninh. Thỏa thuận đang thu hút sự chú ý của khu vực khi nó không chỉ thể hiện sự gắn kết hơn giữa hai nước mà còn tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Papua New Guinea đang trở thành tâm điểm của khu vực khi nước này chuẩn bị ký thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ. Mặc dù nội dung chi tiết của thỏa thuận chưa được chính thức tiết lộ song Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết thỏa thuận sẽ làm gia tăng sự hiện diện trực tiếp của quân đội Mỹ tại nước này.

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape. Nguồn AFP.

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape. Nguồn AFP.

“Đó là một phần trong những tiến triển mà chúng tôi đã đạt được. Sẽ có bao nhiêu binh sỹ, bao nhiêu nhà thầu… là những điều mà tôi không nhắc đến, song chắc chắn Mỹ sẽ gia tăng sự hiện diện tại đất nước chúng tôi. Đồng thời, thỏa thuận này cũng không ngăn cản chúng tôi có thỏa thuận với các quốc gia khác”, ông Marape nói.

Dư luận Papua New Guinea có phản ứng trái chiều trước thỏa thuận này. Trong lúc chính phủ cho rằng thỏa thuận có lợi cho quốc gia, một bộ phận dân chúng, trong đó có một số sinh viên đại học tỏ ra nghi ngờ. Sáng 22/5, nhiều sinh viên các trường đại học đã tập trung biểu tình ở thủ đô Port Moresby yêu cầu chính phủ minh bạch nội dung thỏa thuận và bảo vệ chủ quyền của đất nước.

New Zealand là quốc gia đầu tiên trong khu vực bày tỏ quan điểm về thỏa thuận này. Trong lúc đang ở thăm Papua New Guinea, ngày 22/5, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins tin tưởng thỏa thuận là sự mở rộng quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng, trong đó bao gồm việc gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ và thúc đẩy hợp tác song phương trong các vấn đề khác.

Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins cho rằng, việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ không đồng nghĩa với việc quân sự hóa khu vực: “New Zealand không ủng hộ việc quân sự hóa trong khu vực Thái Bình Dương. Tuy vậy sự hiện diện của quân đội không đồng nghĩa với việc quân sự hóa. Ví dụ New Zealand thường xuyên có sự hiện diện quân sự trong khu vực sau khi thảm hỏa tự nhiên xảy ra ở đây. Chúng tôi gửi quân đội tới đây để hỗ trợ các nước phải gánh chịu hậu quả của thiên tai. Vì vậy mà chúng ta không nên cho rằng mọi thỏa thuận hợp tác quân sự đều liên quan đến xung đột”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo cho biết, ngày 22/5, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Thủ tướng Papua New Guinea James Marape sẽ ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng để làm nền tảng thúc đẩy hợp tác an ninh và thắt chặt quan hệ song phương, nâng cao năng lực cho lực lượng quốc phòng Papua New Guinea nhằm đóng góp vào ổn định và an ninh của khu vực.

Thỏa thuận hợp tác quốc phòng chỉ là một trong số các nội dung mà Mỹ thúc đẩy hợp tác với Papua New Guinea trong thời gian tới bên cạnh các lĩnh vực khác như thúc đẩy hợp tác phát triển, tăng cường đối thoại chiến lược, phòng chống tội phạm có tổ chức, chống các hoạt động bất hợp pháp trên biển…

Nội dung Thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Papua New Guinea sẽ được Mỹ công bố khi thỏa thuận có hiệu lực, như quy định của luật pháp Mỹ./.

Việt Nga/VOV-Australia

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phan-ung-truoc-thoa-thuan-quoc-phong-giua-my-va-papua-new-guinea-post1021792.vov