Phan Văn Đạt - Ngọn lửa bất diệt của tinh thần yêu nước

Tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An có 2 trường THPT đều mang tên 2 danh nhân yêu nước, 2 người con ưu tú của quê hương. Nếu Nguyễn Thông là nhà trí thức yêu nước, sĩ phu tài ba, đức độ thì Phan Văn Đạt là lãnh tụ nghĩa quân chống thực dân Pháp nổi bật tại quê hương ông - huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Trường THPT Phan Văn Đạt (huyện Châu Thành) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1

Trường THPT Phan Văn Đạt (huyện Châu Thành) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1

Được biết, Phan Văn Đạt, Nguyễn Thông và cả Nguyễn Trung Trực vốn có giao tình bè bạn, cùng chung chí hướng chống thực dân với tú tài Trịnh Quang Nghị - cậu ruột của Nguyễn Thông.

Phan Văn Đạt đậu cử nhân năm 1848 ở trường Hương Gia Định thì 1 năm sau, Nguyễn Thông cũng đậu cử nhân tại đây. Tuy đỗ đạt nhưng Phan Văn Đạt không ra làm quan mà ở lại quê nhà phụng dưỡng song thân.

Năm 1860, ông ra Huế làm một chức quan nhỏ nhưng sau đó bỏ về quê vì không chịu được một số người có thói a dua, xu nịnh.

Thực dân Pháp chiếm miền Đông rồi miền Tây Nam Bộ, với tính tình cương trực, thẳng thắn và tấm lòng yêu nước, thương dân, Phan Văn Đạt không thể ngồi yên nhìn giặc xâm chiếm đất nước, ông cùng tú tài Trịnh Quang Nghị, Nguyễn Thông, Phan Chánh dựng cờ khởi nghĩa, lập căn cứ ở phía Nam cầu Biện Trẹt (nay thuộc địa phận ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành).

Được sự ủng hộ của nhân dân và nhiều người tài giỏi như Trà Quý Bình, Lê Cao Dõng, thanh thế nghĩa quân ngày một lên cao. Trước tình hình đó, thực dân Pháp tập trung lực lượng đàn áp. Chúng đánh úp vào đại bản doanh vào ngày 01-9-1861 (nhằm ngày 16 tháng 7 Âm lịch) và bắt được Phan Văn Đạt cùng nhiều nghĩa quân khác.

Mặc dù chịu nhiều đòn roi tra tấn, cử nhân Phan Văn Đạt vẫn quyết không khuất phục. Ông mắng thẳng vào quân địch: “Ta căm hận lúc còn sống không ăn thịt được bọn bây, lúc chết ta sẽ ngầm giúp mọi người ứng nghĩa giết hết bọn bây mới toại nguyện”.

Giặc Pháp tàn bạo dùng móc sắt móc vào cổ họng ông treo trên cột tàu đậu ở mé sông Vũng Gù suốt 3 ngày (đoạn bến đò Chú Tiết ngày nay). Có ý kiến cho rằng, chiếc tàu treo Phan Văn Đạt chính là chiến hạm Hy Vọng mà Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân đốt cháy sau đó hơn 2 tháng.

Sử còn chép rằng, khi Phan Văn Đạt dựng cờ khởi nghĩa, ông còn 2 người con nhỏ vẫn ở tuổi nằm nôi phải gửi lại người thân, hàng xóm.

Cám nghĩa người anh hùng đất Châu Thành, hiện nay, cứ vào ngày 16 tháng 7 Âm lịch, tập thể giáo viên Trường THPT Phan Văn Đạt cùng nhau tổ chức lễ giỗ nhà yêu nước Phan Văn Đạt. Cùng tham gia ngày giỗ có đại diện chính quyền địa phương, đại diện hậu duệ của cử nhân Phan Văn Đạt.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Đạt - Nguyễn Duy Hùng, trường được mang tên người con ưu tú của Châu Thành từ ngày đầu thành lập vào năm 2014. Từ đó đến nay, đội ngũ giáo viên và học sinh (HS) trường luôn nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học.

“Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học, trường quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS, nâng cao chất lượng giảng dạy theo từng năm học” - thầy Nguyễn Duy Hùng cho biết.

Năm học 2023-2024, với nỗ lực cao, thầy và trò Trường THPT Phan Văn Đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. HS lên lớp đạt 99,5%, tốt nghiệp THPT đạt 100%. Trường có 8 HS đoạt giải trong Kỳ thi HS giỏi văn hóa cấp tỉnh, 1 HS giỏi giải toán trên máy tính cầm tay, 28 HS giỏi văn hóa cấp trường. Giáo viên trường cũng đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi về chuyên môn.

Năm học 2024-2025, Trường THPT Phan Văn Đạt đón 315 HS vào lớp 10, tổng số HS toàn trường là 864 em ở 3 khối lớp. Năm học 2024-2025, thầy và trò Trường THPT Phan Văn Đạt tiếp tục thực hiện các cuộc vận động lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS; đổi mới quản lý giáo dục nhằm đạt kết quả cao nhất trong hoạt động giảng dạy và học tập./.

Cử nhân Phan Văn Đạt có tên hiệu là Minh Trai, SN 1828 tại thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Tuổi mới thành niên, ông đã thông kim bác cổ, làu thông kinh sử. Ông là một nho sĩ có khí tiết và là một lãnh đạo có khí phách trong phong trào kháng Pháp ở cuối thế kỷ XIX tại Nam Kỳ.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phan-van-dat-ngon-lua-bat-diet-cua-tinh-than-yeu-nuoc-a182947.html