Phanh khẩn cấp có tác dụng gì?
Phanh khẩn cấp trên xe hơi là một bộ phận giữ nhiệm vụ đặc thù hoàn toàn ngược các bộ phận khác trên xe.
Hệ thống trợ giúp phanh khẩn cấp (EBA) hoặc trợ lực phanh (BA hoặc BAS) là thuật ngữ chung cho công nghệ phanh ô tô làm tăng áp lực phanh trong trường hợp khẩn cấp. Công nghệ này lần đầu tiên được phát triển bởi Daimler-Benz và TRW / Lucas Variety.
Theo thiết kế, phanh khẩn cấp giúp người điều khiến xe hơi dừng lại một cách an toàn, hạn chế va chạm, giúp giảm quãng đường phanh hiệu quả.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ thì những mẫu xe ô tô ngày nay được tích hợp nhiều tính năng, công nghệ hỗ trợ giúp việc lái xe trở nên đơn giản, an toàn hơn rất nhiều.
Đặc biệt là công nghệ cảnh báo va chạm phía trước với phanh tự động khẩn cấp BA/BAS (Brake Assist) - EBA (Emergency Brake Assist) là một trong 3 hệ thống hỗ trợ an toàn phanh phổ biến hiện nay được áp dụng trên xe ô tô, bên cạnh hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti-lock Braking System) và hệ thống phân bổ lực phanh điện tử EBD (Electronic Brake Force Distribution).
Phanh tự động khẩn cấp AEB là gì?
Phanh tự động khẩn cấp (Auto Emergency Braking - AEB) là hệ thống an toàn có khả năng ngăn chặn một vụ tai nạn từ phía sau hoặc giảm thiểu tốc độ va chạm. Hệ thống AEB được coi là bước tiến mới trong việc đảm bảo an toàn tương tự như việc trang bị túi khí và dây an toàn. Nhưng mục đích của AEB lại không chỉ dừng ở việc bảo vệ những người trong xe mà còn nhằm ngăn chặn tai nạn xảy ra, tránh tác động tiêu cực đến người tham gia giao thông.
Chức năng của AEB
Cụ thể, phanh tự động khẩn cấp AEB có thể cảnh báo lái xe một vụ va chạm sắp xảy ra và giúp lái xe phanh với một lực tối đa. Bên cạnh đó, AEB còn tự động phanh xe một cách độc lập trong tình huống nguy kịch.
Điều quan trọng cần nhớ là AEB được thiết kế chỉ để hỗ trợ tài xế trong tình huống khẩn cấp và người lái xe phải luôn luôn chịu trách nhiệm nếu tai nạn xảy ra.
Các loại AEB
Hệ thống AEB sử dụng cảm biến radar, laser hoặc camera để giám sát các nguy cơ và phát hiện tiềm năng va chạm với xe khác, người đi bộ hoặc các mối nguy hiểm.
Mặc dù AEB có nhiều loại, hầu hết đều cảnh báo bằng âm thanh, hình ảnh hoặc rung tay lái hoặc cả 3. AEB sẽ tự động phanh nếu lái xe không đáp ứng cảnh báo. Một số hệ thống còn có khả năng căng đai an toàn để giảm thiểu tổn thương cho hành khách. Một số hệ thống AEB sẽ tự tắt nếu phát hiện lái xe bẻ tay lái chuyển hướng di chuyển.
Hệ thống AEB có thể chia làm 3 loại chính
Hệ thống tốc độ thấp: Mục tiêu của phiên bản này là lái xe trong thành phố, nơi va chạm thường xẩy ra ở tốc độ thấp nhưng có thể gây chấn thương cột sống và đốt sống cổ dẫn đến tử vong. Thông thường loại này có thể phản ứng đối với ô tô khác nhưng không nhạy cảm đối với người đi bộ và các loại xe khác. Tùy từng phiên bản, ra đa có thể quét phía trước xe từ 8 đến 10 mét và có thể ngăn ngừa va chạm khi chạy ở tốc độ từ 30 đến 50 km/giờ.
Hệ thống tốc độ cao: Phiên bản này thường sử dụng ra đa tầm xa có thể phát hiện xe khác ở phía trước cách xa 200 mét ở tốc độ 80 km/giờ.
Hệ thống tránh va chạm với người đi bộ: Phiên bản này sử dụng camera kết hợp với ra đa để phát hiện người đi bộ thông qua hình dáng và đặc điểm của người đi bộ. Bằng cách tính toán tốc độ, xe sẽ xác định xem có mối nguy hiểm xảy ra không.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/phanh-khan-cap-co-tac-dung-gi-ar870639.html