'Phao cứu sinh' cho ngân hàng Mỹ
Những biện pháp ngăn chặn tác động sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley và Signature có thể kém hiệu quả nếu FED tiếp tục tăng lãi suất
Giới chức Mỹ đã triển khai các biện pháp khẩn cấp hôm 12-3 để củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn.
Chỉ 2 ngày sau khi SVB sụp đổ, các cơ quan quản lý cũng nhanh chóng đóng cửa Ngân hàng Signature ở New York có giá trị tài sản lên đến 110 tỉ USD, vốn đã chịu áp lực về thanh khoản trong những ngày gần đây.
Vụ SVB và Signature lần lượt là các vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai và thứ 3 trong lịch sử Mỹ sau vụ phá sản của Ngân hàng Washington Mutual vào năm 2008. Những diễn biến này thổi bùng nỗi sợ hãi rằng lãi suất tăng nhanh cuối cùng đã gây ra những hệ quả to lớn đối với hệ thống tài chính Mỹ và thậm chí còn hơn thế nữa.
Đội ngũ chuyên gia kinh tế của Tổng thống Joe Biden đã làm việc với các cơ quan quản lý về nhiều biện pháp, bao gồm bảo đảm tiền gửi ở cả 2 ngân hàng SVB và Signature, thiết lập một cơ sở mới để cho phép các ngân hàng tiếp cận với quỹ khẩn cấp và giúp các ngân hàng vay tiền từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dễ dàng hơn trong trường hợp cấp thiết. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 12-3 cũng cho biết chính phủ đang nỗ lực bảo vệ tiền gửi của khách hàng nhưng sẽ không giải cứu SVB.
Mặc dù chính phủ Mỹ đưa ra một số gói cứu trợ tạm thời cho các công ty ở Thung lũng Silicon và thị trường toàn cầu hôm 13-3 nhưng mối lo ngại về rủi ro quy mô lớn hơn vẫn còn đó và những hoài nghi về việc FED có tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất sắp tới hay không.
Ông Karl Schamotta, chiến lược gia trưởng về thị trường tại Công ty Thanh toán kinh doanh Corpay (Canada), nhận định động thái của FED, Bộ Tài chính và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) sẽ ngăn chặn làn sóng rút tiền ồ ạt trong lĩnh vực ngân hàng.
Sự can thiệp của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho thấy cuộc chiến chống lạm phát cứng rắn của FED và các ngân hàng trung ương lớn khác đang gây căng thẳng cho hệ thống tài chính và thị trường toàn cầu như thế nào.
Trong nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo Ngân hàng HSBC đã mua lại chi nhánh SVB của Mỹ tại Anh. Động thái này nhằm ổn định cho chi nhánh SVB tại Anh, bảo đảm tính liên tục của các dịch vụ ngân hàng, giảm thiểu sự gián đoạn đối với lĩnh vực công nghệ của Anh và hỗ trợ niềm tin vào hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, với việc FED còn tiếp tục tăng lãi suất, các nhà đầu tư cho rằng hệ thống tài chính vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn.
Theo đài CNBC, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) không nghĩ rằng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % như kỳ vọng trong cuộc họp vào ngày 21 và 22-3. Hồi tháng trước, FED đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % lên phạm vi từ 4,5% đến 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10-2007.
Nhà kinh tế Ed Hyman tại Công ty Tư vấn đầu tư Evercore ISI (Mỹ) lập luận FED có thể tạm dừng tăng lãi suất vì cú sốc tài chính này. Dù vậy, giới chuyên gia tại Ngân hàng Goldman Sachs vẫn cho rằng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % vào tháng 5, 6 và 7, đồng thời nhắc lại kỳ vọng lãi suất cuối cùng có thể ở mức từ 5,25% - 5,5%.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng sự sụp đổ của SVB dường như không gây tác động lớn ở châu Á nhưng đó được xem là một "lời cảnh báo" - đặc biệt là đối với các nền kinh tế chưa tăng lãi suất mạnh.
Giám sát chặt khu vực tài chính
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tác động của việc đóng cửa SVB, ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ, sẽ tiếp tục trong những ngày và tuần tới, có thể dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định việc SVB phá sản có ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam.
Trước việc SVB phá sản, các ngân hàng nắm giữ trái phiếu ở Việt Nam cũng lo lắng. Bên cạnh việc giá trị trái phiếu bị đẩy xuống do lãi suất cao thì hiện tại các ngân hàng đang nắm giữ một lượng trái phiếu đến hạn trong năm 2023 rất lớn.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu để không rơi vào đổ vỡ hàng loạt. Để ngăn chặn tình trạng này, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ cần có quyết định hoãn nợ cho tất cả trái phiếu đến hạn trong vòng 2 năm tới. Trong thời gian hoãn nợ, các trái chủ không được đưa các nhà phát hành trái phiếu ra tòa... Tức là cho họ cơ hội để cơ cấu lại nợ, cải thiện tình hình kinh doanh và có tiền để trả nợ.
D.Ngọc
Bài học cho Việt Nam
Trái với tâm lý bi quan của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lo ngại hiệu ứng tiêu cực từ vụ sụp đổ của SVB, thị trường chứng khoán châu Á trong đó có Việt Nam ngày 13-3 diễn biến khá tích cực, một số thị trường còn có sắc xanh.
Tại thị trường Việt Nam, nhiều nhà đầu tư chứng khoán thở phào khi diễn biến của chỉ số VN-Index không quá tiêu cực. Chốt phiên giao dịch, chỉ số VN-Index chỉ giảm 0,2 điểm, tương đương 0,02% về mức 1.052,9 điểm; chỉ số HNX giảm 2,01 điểm còn 205,85 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định tác động từ vụ SVB của Mỹ sụp đổ tới thị trường tài chính quốc tế, trong đó có Việt Nam là có nhưng chưa đáng lo ngại. Tại Việt Nam, với một số ngân hàng thương mại có tỉ lệ cho vay trên huy động (LDR) cao sẽ phải chú ý và thực tế Ngân hàng Nhà nước cũng đang siết chặt theo tiêu chuẩn của Basel II, yêu cầu các ngân hàng không đẩy mạnh vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn.
"Trong bối cảnh rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu có dấu hiệu tăng, chiến lược đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế cũng sẽ thiên về phòng thủ hơn. Dòng tiền chảy vào thị trường cổ phiếu cũng không dồi dào như trước dù thị trường chứng khoán có hồi phục, bao gồm cả thị trường Việt Nam" - ông Nguyễn Thế Minh nói.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng nhận định sự sụp đổ của SVB có tác động nhưng không nhiều, chỉ số chứng khoán toàn cầu đã và đang giảm nhẹ, còn biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc huy động vốn của các công ty công nghệ, startup toàn cầu sẽ khó khăn hơn và bị đánh giá rủi ro hơn, nên có thể sẽ phải trả lãi suất cao hơn.
"Bài học kinh nghiệm từ vụ việc là các tổ chức tài chính, ngân hàng cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: tăng trưởng trong kiểm soát được rủi ro. Trong đó, cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính và cần phát triển bền vững.
Mỗi quốc gia cần có một mạng lưới an toàn tài chính, trong đó cần quan tâm đến rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và nền kinh tế thực. Cần có sẵn cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, bài bản, hiệu quả, trong đó các cơ quan thanh tra - giám sát cần độc lập hơn, vai trò bảo hiểm tiền gửi cũng cần rõ nét hơn" - TS Cấn Văn Lực nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/phao-cuu-sinh-cho-ngan-hang-my-20230313211222133.htm