'Phao cứu sinh' của người dân ven biển

Từ năm 2017 đến tháng 7/2024, dự án GCF triển khai ở 6 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau hướng đến mục tiêu xây 4.000 ngôi nhà an toàn trước thiên tai.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau và bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam trao tặng nhà an toàn cho một hộ dân. (Nguồn: GCF)

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau và bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam trao tặng nhà an toàn cho một hộ dân. (Nguồn: GCF)

Việt Nam là quốc gia biển với hơn 3.260km đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam. Dân số của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển.

Với điều kiện địa chính trị, địa kinh tế, Việt Nam có những tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển này. Do đó, thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và được Đảng ta xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhiều dự án đã được triển khai hiệu quả; trong đó có dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng cư dân ven biển tại Việt Nam” (dự án GCF) do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ.

Nội dung này được phóng viên thể hiện qua chùm 3 bài viết: "Vì một xã hội an toàn trước thiên tai."

Bài 1: “Phao cứu sinh” của người dân ven biển

Với nhiều người dân Việt Nam, ngôi nhà chính là tài sản quý giá nhất, thậm chí là tài sản giá trị duy nhất mà họ có. Ngôi nhà an toàn để “an cư lạc nghiệp” là giấc mơ của hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo; đặc biệt là các hộ nghèo sống ở khu vực ven biển, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.

Đồng hành cùng Chính phủ và người dân các tỉnh ven biển Việt Nam, Hợp phần xây dựng nhà an toàn của dự án GCF đang dần biến ước mơ đó thành hiện thực.

Hạnh phúc an cư

Gia đình chị Lê Thị Liên (42 tuổi, ấp 6, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) là một trong 425 hộ của tỉnh Cà Mau được nhận nhà đợt này. Nước mắt của niềm vui trực trào trên khuôn mặt rám nắng biển, gió biển của chị.

Chồng chị - anh Trần Văn Đô cũng xúc động nghẹn lời. Hai gia đình đều nghèo nên khi anh chị cưới nhau tài sản chẳng có gì. Căn nhà nhỏ của vợ chồng chị khi đó là vách đất, mái lợp lá. Mỗi khi mưa bão, mái dột, ngôi nhà luôn ngập trong nước. Những cơn gió to như muốn cuốn bay cả căn nhà.

Sau bão, hỏng đâu anh chị sửa đó, cứ lặp đi lặp lại như thế từ năm này qua năm khác. Thu nhập của hai vợ chồng phụ thuộc vào những chuyến đi biển của anh Đô và ai thuê gì làm nấy của chị Liên.

Khi anh chị có 2 con thì cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn. Vì thế, con gái lớn của anh chị chỉ học hết lớp 7, con trai thứ thì hết lớp 4. Với gia đình họ, bữa ăn no đủ đã là hạnh phúc nên một ngôi nhà an toàn trong mưa bão thực sự chỉ là giấc mơ.

“Được xây nhà mới kiên cố với chúng tôi như đổi đời. Mỗi chuyến đi biển tôi sẽ yên tâm hơn. Có nhà rồi, giờ vợ chồng tôi chăm chỉ làm ăn để không còn là hộ nghèo nữa,” anh Đô bộc bạch.

Cách nhà chị Liên không xa, gia đình anh Võ Văn Khởi (58 tuổi) cũng được bàn giao nhà đợt này. Hoàn cảnh của anh Khởi rất đặc biệt. Là bộ đội xuất ngũ, cũng thuộc diện hộ nghèo, về địa phương không có tư liệu sản xuất, anh Khởi đi học lái xe. Học xong cũng không có tiền mua xe, anh Khởi đi lái thuê nên thu nhập rất bấp bênh.

Rồi hạnh phúc riêng của anh không trọn vẹn khi hôn nhân đổ vỡ. Một ngôi nhà kiên cố, một gia đình đủ đầy ngày càng trở nên xa vời với anh.

Chị Trương Thị Cẩm Mừng (vợ hiện tại của Khởi) nói vui rằng, số phận sắp đặt để hai người “éo le” gặp nhau. Chị Mừng cũng trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ, từ Bạc Liêu vào Cà Mau gây dựng gia đình mới với anh Khởi.

Dù có nghề, có tiệm làm tóc trên thị trấn nhưng “từ khi lấy nhau cho đến lúc cậu con trai chung 3 tuổi, tôi chưa bao giờ nghĩ có đủ tiền để xây nhà,” chị Mừng chia sẻ.

Tất cả đã thay đổi khi anh Khởi đủ tiêu chuẩn được hỗ trợ xây dựng nhà từ dự án GCF. Cùng số tiền dự án tài trợ 80 triệu đồng xây nhà có diện tích 40m2, anh chị quyết tâm đầu tư thêm để ngôi nhà khang trang, rộng rãi hơn.

“Vợ chồng tôi vui lắm, sẽ chăm chỉ làm để có tiền mua sắm đồ dùng. Mong là công việc suôn sẻ để con đỡ khổ hơn mình,” chị Mừng hy vọng.

Vì cuộc sống tốt đẹp hơn

Với 3.524 hộ, thu nhập bình quân 52 triệu/người/năm chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt hải sản và buôn bán nhỏ, Khánh Lâm là xã nghèo diện 135 của huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Xã ven biển khó khăn này còn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, tác động của biến đổi khí hậu gây sụt lún, xâm nhập mặn. Nhiều gia đình, trong đó chủ yếu là hộ nghèo (chiếm 8% số hộ toàn xã) không có tư liệu sản xuất, nhà ở tạm bợ, thiếu an toàn.

 Một căn nhà bị sập do dông lốc ở Cà Mau. (Ảnh: TTXVN phát)

Một căn nhà bị sập do dông lốc ở Cà Mau. (Ảnh: TTXVN phát)

“Hợp phần xây nhà an toàn của dự án GCF như phao cứu sinh đối với người dân và hỗ trợ xã phấn đấu trở thành xã nông thôn mới trong năm 2025,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khánh Lâm Lê Nhật Trường nhấn mạnh.

Là tỉnh tham gia dự án muộn nhất (tháng 1/2024) nhưng với quyết tâm vượt khó của Ban Quản lý dự án, chính quyền tỉnh Cà Mau và các gia đình hưởng lợi, đến nay, dự án đã hoàn thành mục tiêu xây dựng 425 nhà an toàn.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, với đặc điểm 254km chiều dài bờ biển, có 41 xã, thị trấn ven biển và cận ven biển, người dân các xã ven biển của tỉnh hàng năm phải chống chọi với mưa bão, triều cường và các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Nhiều hộ nghèo chưa có nhà ở an toàn, kiên cố.

Sự hỗ trợ từ dự án GCF đã giúp số lượng khá lớn hộ nghèo của tỉnh có nhà ở an toàn.

Theo một nghiên cứu gần đây mà UNDP thực hiện với Bộ Xây dựng, hơn 110.000 gia đình Việt Nam, trong đó có hơn 25.000 gia đình ở các huyện ven biển của 28 tỉnh, thành phố có biển đang sống trong tình trạng không có nhà ở an toàn.

Được triển khai tại 6 tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau từ năm 2017 đến tháng 7/2024, Hợp phần xây nhà của dự án GCF hướng đến mục tiêu 4.000 ngôi nhà an toàn được xây dựng, đem lại lợi ích cho 20.000 người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều từ thiên tai.

Với mong muốn để người dân ven biển an toàn trước các tình huống thiên tai, yên tâm phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống tại địa phương, các mẫu nhà của dự án GCF được thiết kế phù hợp với cảnh quan, tập quán sinh hoạt.

Dự án GCF bổ sung các gói thông tin về rủi ro thiên tai, khí hậu và tập huấn về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, xây dựng bản đồ rủi ro cấp cộng đồng để tính toán, rà soát và cải tiến thêm tiêu chuẩn nhà ở nông thôn tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tại đặc thù.

Trên cơ sở đó, dự án sẽ gia cố, bổ sung thêm các tính năng chống chịu với khí hậu nhằm tăng hiệu quả chống chịu thiên tai, bổ sung yêu cầu kỹ thuật, mở rộng giải pháp và phương án tối ưu để thiết kế nhà an toàn cho các cộng đồng dân cư nghèo và dễ bị tổn thương vùng ven biển.

Các hoạt động bổ sung này của dự án góp phần đảm bảo nhà ở, tài sản duy nhất của người nghèo được xây trên vị trí an toàn và có thể chống chịu không chỉ với các tác động của điều kiện thiên tai và khí hậu hiện nay, mà còn tính toán cân nhắc đến các điều kiện thiên tai cực đoan của nhiều năm tiếp theo.

Ở các tỉnh miền Trung, nhà được xây theo kết cấu nhà ống, có mái gia cố chống bão giật, sàn gác lửng đổ bêtông cốt thép cao trên 2m.

Tại Cà Mau, các loại hình thiên tai chủ yếu là gió mạnh, mưa nhiều, triều cường, sụt lún, sạt lở hay xâm nhập mặn nên mỗi căn nhà được thiết kế có chiều cao công trình đỉnh là 4m, diện tích sử dụng từ 18-40m2, chịu ảnh hưởng gió bão cấp 12 trở xuống.

Nền nhà cao hơn mực nước cao nhất ít nhất 0,5m. Ký ức của nhiều người dân Thừa Thiên-Huế vẫn còn vẹn nguyên về sức tàn phá do bão số 5 gây ra vào tháng 9/2020.

Mưa trắng trời, nước mênh mông khắp nơi. Hơn 21.000 căn nhà bị tốc mái, hơn 15.000 cây cối gãy đổ trước sức gió giật của bão số 5. Những ngôi nhà của dự án GCF đã cùng người dân các huyện Phú Vang, thị xã Hương Trà an toàn vượt qua bão số 5.

Thực tế này cho thấy việc đầu tư xây dựng những ngôi nhà có khả năng chống chịu bão lũ với chi phí thấp có thể giúp các gia đình tiết kiệm chi phí sửa chữa, xây dựng lại nhà sau bão lũ cũng như các thảm họa thiên nhiên khác.

Với nguồn tài chính 29,5 triệu USD từ dự án, vốn đối ứng của địa phương cùng sự cố gắng của các gia đình, đến tháng 7/2024 đã có 4.966 ngôi nhà an toàn được xây dựng, vượt xa kế hoạch ban đầu là 4.000 nhà./.

Bài 2: Bình yên dưới tán rừng ngập mặn

Bài cuối: Chung sức hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phao-cuu-sinh-cua-nguoi-dan-ven-bien-post971953.vnp