Phao cứu sinh cuối cùng cho người quẫn bách ở đâu?

Thật đau lòng khi sự việc một người chồng, người cha đã đầu độc chính mình và cả gia đình mình bằng khí CO khiến 4 người tử vong; giá như lúc ấy có ai đó chìa tay ra giúp đỡ họ.

Mấy bữa nay, dân tình bàng hoàng nghe mà không sao tin được, người chồng, người cha dùng khí CO tự tử và bắt cả vợ và con đi theo, kết cục ông ta còn sống còn vợ và 3 người con thì mất.

Vụ án đã được khởi tố, công việc điều tra đang tiến hành, các ý kiến trái chiều được đưa ra, thương cảm có, lên án cũng có. Tôi tin chắc ông ấy có sống cũng như chết bởi bản án lương tâm sẽ cắn xé, dày vò ông ấy suốt đời này.

Người dân xã Cam An Nam cho hay gia đình ông Hải là một gia đình sống hòa đồng với nhau, nội bộ gia đình không có mâu thuẫn gì, gia đình lấy được thiện cảm của bà con lối xóm. Nguyên nhân dẫn đến hành động này là do nợ nần.

Ông Hải là chủ một cơ sở chăn nuôi heo, vay tiền kinh doanh không có khả năng trả nợ, nên tính quẩn. Tôi chắc một điều trước khi làm hành động khủng khiếp đó ông Hải đã trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng dữ dội lắm. Là người cha làm sao mà ông không yêu thương các con của mình, bởi các con ông như hàng xóm nói đều là các cháu ngoan ngoãn, lễ phép, học giỏi.

Tôi tin chắc ông kỳ vọng vào đưa con gái đầu đang là sinh viên năm thứ 4 trường đại học Y dược Huế, các con còn lại đang học lớp 8 và lớp 5. Ông vay tiền làm ăn cũng chỉ mong có được gia đình hạnh phúc nhưng làm ăn trong thời buổi này làm sao mà biết trước được điều gì sẽ xảy ra.

Cũng như những chủ doanh nghiệp khác tôi tin chắc ông đã làm hết cách, xin chủ nợ cho hoãn nợ, cầu viện các ngân hàng, cầu cứu người thân và các đối tác nhưng tất cả các cánh cửa đã đóng lại. Trong cơn tuyệt vọng ông nghĩ đến cái chết, nhưng ông chết thì nợ có hết không hay là gánh nặng nợ nần lại dồn vào cho vợ và các con ông, theo logic đó, ông đã đi đến quyết định cả nhà cùng quyên sinh coi như chấm dứt mọi nợ nần và đau đớn.

Có thể nhiều người lên án ông, nhưng ai rơi vào hoàn cảnh đó mới hiểu tình thế tận cùng của cay đắng. Trong thời gian gần đây, có không ít người chủ gia đình chọn giải pháp tiêu cực như thế. Năm 2018, chỉ có nợ 70.000 đồng mà cả gia đình 4 người tự tử bằng cách treo cổ ở Hà Tĩnh; tháng 2-2023 người mẹ ở Phú Thọ ôm hai con nhảy sông tự tử do nợ nần,…

Còn nhớ, 1-7-1997, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á bắt đầu từ Thái Lan, sức tàn phá của nó vô cùng khủng khiếp đã làm cho nền kinh tế châu Á chao đảo, tụt dốc. Năm 1998, tức là chỉ sau một năm nó phát tác ở Hàn Quốc, khi đó tôi đang làm việc ở Seoul, ngày nào đọc báo cũng nghe chuyện các chủ doanh nghiệp ra sông Hàn tự tử vì bị thua lỗ, phá sản, nợ nần.

Để ngăn chặn làn sóng này, chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội lập ra các văn phòng được coi là nút chặn cuối cùng để những người quẫn bách tìm đến trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Các trung tâm tâm lý - xã hội thì giúp họ gỡ rối về tâm lý, giải tỏa áp lực từ các phía (ngân hàng, chủ nợ); các văn phòng của chính phủ giúp họ bằng cách này, cách khác gỡ rối về kinh tế, tài chính; còn chính phủ can thiệp cho họ hoãn nợ, thậm chí có thể cho vay để họ phục hồi sản xuất trả nợ dần mà không phải tìm đến cái chết.

Từ đó, tình trạng các chủ doanh nghiệp tự tử giảm dần và hầu như không còn trở thành xu hướng. Điều này cũng từng diễn ra ở Nhật Bản. Giá như vào phút chót, có tổ chức nào đó, ai đó chìa bàn tay ra cho ông Hải thì chắc giờ này các con ông đang chuẩn bị vào năm học mới.

Năm 2001, một sinh viên của tôi nhảy lầu tự tử chỉ vì không có tiền đóng học phí. Người mẹ cầm nắm tiền mà các sinh viên, thầy cô giáo quyên góp trong đám tang khóc rưng rức, nghẹn ngào thốt lên giá như nó có từng này tiền mấy hôm trước thì đâu có ra nông nỗi này.

Ước gì ở Việt Nam có được những tổ chức như thế, để cho những doanh nghiệp, chủ gia đình, và ai đó trước khi ra đứng ở lan can cầu, mở van bình khí C02, bật lửa bình xăng hay đưa dây thừng tròng vào cổ dừng lại trong tích tắc.

Cần lắm những cái phao cứu sinh quăng ra đúng lúc, như thế để cho chúng ta không phải nói nói giá như, tại sao phải như thế. Một xã hội được coi là ưu việt chính là chỗ đó.

TS NGUYỄN MINH HÒA, chuyên gia Xã hội học, Đô thị học

Nguồn PLO: https://plo.vn/phao-cuu-sinh-cuoi-cung-cho-nguoi-quan-bach-o-dau-post748497.html