'Pháo đài bay' khổng lồ Kalinin K-7 là cuộc cách mạng về ý tưởng của Liên Xô
Tạp chí The National Interest (NI) của Mỹ đã đưa ra đánh giá về oanh tạc cơ khổng lồ Kalinin K-7 được phát triển trong những năm 1930 của Liên Xô.
Việc thiết kế được giao cho Konstantin Kalinin, một cựu phi công trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất và là người đứng đầu một viện nghiên cứu hàng không ở Kharkov (Ukraine ngày nay), nơi có nhiều kinh nghiệm sản xuất các máy bay vận tải dân sự cho hãng hàng không dân dụng Liên Xô Aeroflot.
Cuộc cách mạng trong ý tưởng của ông là sử dụng sơ đồ tàu lượn mới về cơ bản với tên gọi là “cánh bay”. Toàn bộ máy bay cao 12,8 m, dài 28 m. Sải cánh máy bay rộng đến 53 m, diện tích cánh đạt 454 m2, có khối lượng không tải đạt 24,4 tấn, khi mang đủ tải trọng lên tới 38 tấn. K-7 là máy bay cánh quạt có kích thước lớn nhất thế giới khi nó ra đời và là một trong những máy bay lớn nhất từng được chế tạo trước thời kỳ của động cơ phản lực. Toàn bộ thùng nhiên liệu, động cơ và khoang hành khách của máy bay đều nằm trong sải cánh dày.
Được biết, trong phiên bản dân sự, tùy thuộc vào cách bố trí bên trong, K-7 có thể chở 128 hoặc 64 hành khách (trong khoang hạng sang), cùng 7 tấn hàng hóa. Trên máy bay cũng có thể cung cấp một bữa tiệc buffet, một nhà bếp, một phòng radio.
K-7 được thiết kế vừa là máy bay chở khách vừa là máy bay ném bom. Phiên bản vận tải quân sự cũng đủ sức chứa 112 binh sĩ được trang bị đầy đủ. Trong khi đó, biến thể K-7 ném bom mang theo 8 pháo tự động cỡ nòng 20 mm, 8 súng máy cỡ 7,62 mm và tối đa 9,6 tấn bom, khiến K-7 trở thành một “pháo đài bay” trước tiêm kích đối phương.
Các tác giả của NI lưu ý rằng, thiết kế không phải là khía cạnh sáng tạo duy nhất của chiếc máy bay, các vật liệu mà nó được tạo ra cũng là duy nhất. Khung máy bay được làm bằng thép hợp kim crôm-molypden, lần đầu tiên được sử dụng trong ngành công nghiệp máy bay của Liên Xô. “Bức tường khổng lồ” được nhấc bổng lên không trung với sự giúp đỡ của 7 động cơ cánh quạt Mikulin AM-34 với công suất mỗi động cơ đạt 750 mã lực, giúp cho cỗ máy có tốc độ bay tối đa 225 km/ giờ khi đầy tải, tầm bay tối đa đạt 5.000 km.
K-7 không bao giờ được sản xuất hàng loạt vì nhiều lý do. Sau 7 chuyến bay thử an toàn, nguyên mẫu K-7 gặp tai nạn do gãy đuôi đứng vào tháng 11/1933. Sự cố làm 14 người trên máy bay và một người trên mặt đất thiệt mạng. Nguyên nhân dẫn tới tai nạn không được công bố, nhưng nhiều người nghi ngờ chiếc máy bay đã bị phá hoại trước đó. Thêm hai bản mẫu được đặt hàng, nhưng dự án K-7 bị chấm dứt vào năm 1935, trước khi chúng kịp được hoàn thiện.