M777 đã được chứng minh hiệu quả trong quá trình chiến đấu ở Trung Đông và Ukraine. Tuy nhiên, kinh nghiệm gần đây ở Ukraine cho thấy, pháo được gắn trên xe tải sẽ phù hợp hơn để đối đầu với những lực lượng hiện đại, được trang bị radar phát hiện pháo binh như Nga.
Thực tế chiến trường Ukraine đã cho thấy, Nga đã trang bị cho quân đội của mình hệ thống radar phản pháo, vì vậy các loại pháo kéo sẽ có ít thời gian để rút khỏi trận địa sau khi bắn. Để bảo đảm an toàn cho khẩu đội pháo, nên sử dụng các đơn vị pháo tự hành, bởi họ có thể cơ động linh hoạt hơn.
Quân đội Mỹ đang sử dụng hai loại pháo chính là pháo kéo và pháo bánh xích. Pháo bánh xích M109A7 Paladin là loại pháo 155mm gắn trên khung gầm bọc thép hạng nặng.
Còn pháo kéo M777 là một khẩu pháo 155mm gắn trên giá súng có bánh xe được kéo bằng một chiếc xe tải. Paladin được trang bị cho các lữ đoàn bọc thép hạng nặng của Quân đội Mỹ, trong khi M777 nhẹ hơn trang bị cho các lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ, các đơn vị dù, tấn công đường không,...
Lựu pháo kéo M777 có thể bắn một quả đạn nặng 45kg với tầm bắn lên tới 35km, tốc độ bắn trung bình 2 phát/phút, khi bắn ở tốc độ cao có thể lên đến 4-5 phát/phút. M777 và M109 gần giống nhau về tầm bắn và tốc độ bắn.
Nhu cầu sử dụng của hai loại pháo này khác nhau, do xuất phát từ sự khác biệt về trọng lượng và tính cơ động. M777 chỉ nặng 8 tấn, nhờ sử dụng titan nhẹ và có thể được vận chuyển bằng máy bay như C-130J Super Hercules, máy bay V-22 Osprey và trực thăng CH-47 Chinook.
Tuy nhiên, M777 muốn di chuyển được thì phải dùng phương tiện kéo. Bên cạnh đó, vì khẩu pháo này quá nhẹ nên hoàn toàn không được bọc giáp, khiến toàn bộ pháo và tổ lái phải đối mặt với hỏa lực của kẻ thù.
M109 nặng gần 40 tấn và chỉ có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải C-17 và C-5M. Tuy nhiên, pháo được đặt trên khung gầm bánh xích, đồng thời tổ lái và pháo được bảo vệ trước các loại khí nhỏ và mảnh đạn pháo.
Ngày nay, các đơn vị pháo binh thường được trang bị các hệ thống phản pháo như radar AN/TPQ-36 của Mỹ hoặc Zoopark-2 của Nga, cho phép họ phát hiện đạn pháo đang bay tới và tìm ra vị trí của pháo binh đối phương. Với những công nghệ đó, những người lính pháo binh đã không còn được an toàn như trước kia.
Một đội phản công pháo binh giỏi có thể phát hiện đạn pháo đang lao tới và bắn chính xác vào vị trí của đối phương chỉ sau vài phút. Chiến trường Ukraine cho thấy cả hai bên đều sử dụng các radar phản pháo nhằm cố gắng gây nhiều thiệt hại cho đối phương.
Không giống như M109A7 Paladin có thể khởi hành ngay sau khi bắn, một khẩu đội M777 cần mất thời gian thu pháo để di chuyển, sau đó xe tải phải lái đến vị trí đặt pháo và móc pháo vàp để kéo đi. Quân đội Mỹ tuyên bố rằng thời gian để di chuyển là chưa đầy ba phút.
Xung đột Ukraine cũng cho thấy khá rõ ràng rằng pháo kéo rất dễ bị tổn thương trước hỏa lực phản pháo. Báo cáo năm 2023 của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh tuyên bố rằng, pháo binh Nga hoạt động ở Ukraine có thể hoàn thành nhiệm vụ phản công chỉ trong ba phút.
Lựu pháo gắn trên xe tải không cần phải mất thời gian triển khai trận địa. Kết quả là thời gian di chuyển được giảm từ phút xuống giây. Nhà thầu quốc phòng Vương quốc Anh BAE Systems tuyên bố rằng, pháo thủ có thể bắn sau 30 giây kể từ khi pháo vào vị trí.
Điều quan trọng hơn, pháo trên xe tải có thể khởi hành sau 30 giây kể từ khi ngừng bắn. Nexter, công ty chế tạo pháo CAESAR, tuyên bố nó có thể bắn sáu phát đạn và di chuyển trong vòng chưa đầy hai phút.
Pháo gắn trên xe tải thường nặng từ 30 tấn trở lên nên không đủ điều kiện để vận chuyển bằng trực thăng. Do đó, chúng không phù hợp với các đơn vị bộ binh hạng nhẹ và các đơn vị di chuyển bằng trực thăng.
Lính Mỹ có thể không tham chiến ở Ukraine, nhưng cuộc xung đột này đang dạy cho họ nhiều bài học mới. Trong đó, pháo binh phải nhanh nhẹn để tồn tại, và nếu quân đội muốn đi trước kẻ thù một bước thì việc gắn pháo trực tiếp lên xe tải là điều phải được cân nhắc.
Lê Quang