UAV cảm tử Nga sau thời gian làm mưa làm gió trên bầu trời Ukraine đã thực sự gặp khắc tinh đó là pháo phòng không tự hành Gepard 1A2 do Đức sản xuất và viện trợ Kyiv.
Các cuộc tấn công tên lửa của Nga vào Ukraine trong những tuần gần đây, đặc biệt là vào đầu tháng 11/2022, đã đi kèm với hoạt động của các máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 cũng như Lancet.
Các cuộc tấn công nhằm mục đích làm tê liệt cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Nga đã thành công khi một phần lớn đất nước rơi vào tình trạng mất điện và chưa thể sớm khắc phục hoàn toàn tổn thất.
Ukraine hiện đã nhận hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T của Đức, NASAMS do Mỹ - Na Uy sản xuất để phối hợp cùng S-300 thời Liên Xô trong nhiệm vụ chống lại tên lửa hành trình.
Tuy nhiên các hệ thống phòng không trên gặp nhiều khó khăn khi đối đầu với máy bay không người lái khi chúng hoạt động ở độ cao thấp và tránh radar rất tốt. Mặc dù vậy, những UAV này lại khó lòng trốn thoát pháo phòng không bắn nhanh.
Theo bài phân tích của Tiến sĩ Justin Bronk, chuyên gia Nick Reynolds và Tiến sĩ Jack Watling đến từ Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), pháo phòng không tự hành hai nòng Flakpanzer Gepard (SPAAG) là liều thuốc giải độc đối với Shahed-136 và Lancet.
Các hệ thống này đã được Đức hứa hẹn và chuyển giao một phần cho Ukraine. Kyiv hiện đã nhận 30 tổ hợp và nhiều khả năng, Berlin sẽ giao nốt 20 hệ thống còn lại cho Kyiv trong những tháng tới.
Gần đây nhất, Đại sứ quán Đức tại Ukraine thông báo qua mạng xã hội Twitter rằng những tổ hợp Gepard SPAAG mà họ cung cấp "đạt hiệu suất tác chiến đáng kinh ngạc" trong việc chống lại các máy bay không người lái Shahed-136 của Iran.
Thông tin này hoàn toàn trùng khớp với phân tích của ba chuyên gia đến từ Viện RUSI, khi cho rằng pháo phòng không cơ động của Đức rất phù hợp để chống lại các vật thể bay thấp của đối phương.
Quân đội Ukraine cũng đã cảm nhận được sức mạnh của hệ thống Gepard 1A2 khi chống lại các vật thể bay thấp. Thậm chí đã có thông tin về một “sự kết hợp ăn ý ngoài mong đợi” giữa Gepard của Đức và Osa-AKM SAM của Liên Xô.
Theo các nguồn tin Ukraine vào thời điểm đó, bầu trời phía trên khu vực Kharkiv của nước này đã được bảo vệ khỏi những cuộc tấn công của Nga nhờ công lớn của hai tổ hợp vũ khí đó là Gepard 1A2 và Osa-AKM.
Pháo cao xạ tự hành và tên lửa tầm thấp không thể thay thế mà bổ sung cho nhau. Osa-AKM sẽ phát hiện và tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 8 - 9 dặm, trong khi Gepard bắn hai luồng đạn 35 mm ở khoảng cách lên đến 3 dặm.
Ukraine cũng như Đức từng phải giải một vấn đề phức tạp đó là nguồn cung đạn 35mm. Loại đạn tương thích được sản xuất tại Thụy Sĩ, nhưng Bern từ chối tham gia cuộc chiến và tuyên bố trung lập.
Điều này đã ngăn cản việc cung cấp đạn 35 mm cho những tổ hợp Gepard của Đức. Ban đầu, Berlin quyết định tìm kiếm các kho đạn dược trên khắp thế giới, nhưng đây cũng là một vấn đề khi lượng dự trữ hầu như không có.
Rất may Na Uy đã ra tay giải cứu bằng cách hứa sẽ phát triển loại đạn tương thích cho Gepard. Oslo đã làm được, nhưng lô đầu tiên bất ngờ không tương thích, khiến hệ thống của Đức một lần nữa buộc phải ngừng chiến đấu.
Hóa ra hệ thống điều khiển hỏa lực của pháo phòng không tự hành Gepard đơn giản là không nhận ra loại đạn. Sau đó vấn đề đã được giải quyết bằng loại đạn mới được sản xuất của Na Uy.
Tuy nhiên, việc Na Uy có thể sản xuất số lượng lớn đạn 35 mm nhanh như thế nào trong bối cảnh sử dụng với tần suất cao trên mặt trận vẫn là một yếu tố không có lợi cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Cần nói thêm, mặc dù đã ra đời từ thập niên 1980 nhưng pháo phòng không tự hành Gepard 1A2 vẫn được nhận xét là một thứ vũ khí uy lực và đầy sức mạnh trên chiến trường Ukraine.
Bạch Dương