Pháp, Anh yêu cầu xét nghiệm COVID-19 với hành khách từ Trung Quốc

Hành khách trên các chuyến bay xuất phát từ Trung Quốc đại lục cũng sẽ bắt buộc đeo khẩu trang. Nguồn: Kyodo

Ngày 30/12, Pháp và Vương quốc Anh đã yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc đại lục cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trước khi lên máy bay.

Theo thông báo của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải Pháp, việc xét nghiệm COVID-19 sẽ phải được thực hiện trong vòng chưa đầy 48 giờ trước khi khởi hành và sẽ được yêu cầu đối với hành khách đi trên các chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc đại lục và những chuyến bay có điểm quá cảnh ở nước này. Hành khách trên các chuyến bay xuất phát từ Trung Quốc đại lục cũng sẽ bắt buộc đeo khẩu trang.

Trong khi đó, một quan chức Chính phủ Pháp cho biết kể từ ngày 1/1/2023, Pháp sẽ tiến hành xét nghiệm PCR ngẫu nhiên đối với một số hành khách khi đến nơi. Chính phủ Pháp cũng khuyến cáo những người có hệ miễn dịch kém hoãn các chuyến đi không cần thiết đến Trung Quốc.

Trong khi đó, tại Anh, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cho biết từ ngày 5/1/2023, hành khách Trung Quốc sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành. Các hãng hàng không cũng được yêu cầu kiểm tra kết quả xét nghiệm của tất cả hành khách đi từ Trung Quốc đại lục và hành khách sẽ không được lên máy bay nếu không cung cấp chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính.

Pháp và Anh là những quốc gia mới nhất áp đặt các biện pháp hạn chế đối với những hành khách đến từ Trung Quốc đại lục, quốc gia đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt.

Trước đó cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố các quy định mới về COVID-19 đối với hành khách đi từ Trung Quốc đại lục đến các sân bay của Tây Ban Nha. Hành khách đến từ Trung Quốc sẽ được yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc chứng minh rằng họ đã được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh.

Cũng trong ngày 30/12, Bộ Y tế Israel thông báo sẽ yêu cầu hành khách nước ngoài từ Trung Quốc đại lục có ý định đến Israel phải cung cấp xét nghiệm COVID-19. Các hãng hàng không nước ngoài cũng sẽ được yêu cầu chỉ chấp nhận công dân nước ngoài trên các chuyến bay khởi hành từ Trung Quốc đến Israel nếu những hành khách này có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, trong thư gửi Bộ trưởng Y tế 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), bà Stella Kyriakides - ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm, nêu rõ các nước cần khẩn trương xem xét mở rộng chương trình giải trình tự gene các ca bệnh COVID-19 và theo dõi nước thải để có thể nhanh chóng phát hiện sự tồn tại các biến thể mới.

Ủy viên Kyriakides cho rằng EU cần hết sức lưu ý diễn biến dịch bệnh trong bối cảnh Trung Quốc dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại từ ngày 8/1/2023. Do đó, trước tiên, Bộ Y tế các nước cần "ngay lập tức" đánh giá quy mô hoạt động giải trình tự bộ gene của virus gây bệnh hiện nay, có thể điều chỉnh mở rộng quy mô để phát hiện sớm sự tồn tại của các biến thể mới.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng EU cần thực hiện giám sát mẫu nước thải, đặc biệt nước thải từ sân bay - nơi đầu tiên đón người nhập cảnh. Ủy viên y tế châu Âu nhấn mạnh phát hiện sớm các biến thể mới sẽ giúp cơ quan chức năng các nước ứng phó nhanh chóng và hiệu quả.

Bức thư của bà Kyriakides, đề ngày 29/12, được gửi đi sau một cuộc họp trực tuyến của hơn 100 quan chức các nước EU, các cơ quan y tế của EU và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thảo luận tình hình dịch bệnh COVID-19, trong đó có đề cập các diễn biến tại Trung Quốc.

Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu không khuyến nghị kiểm tra y tế đối với du khách từ Trung Quốc với lập luận rằng các biến thể đang lưu hành ở Trung Quốc đã xuất hiện ở EU và công dân các nước đã đạt tỉ lệ tiêm chủng ở mức cao.

Tại Trung Quốc, Bộ Giáo dục nước này gần đây đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại các trường học không có trường hợp nào mắc COVID-19. Theo kế hoạch này, Trung Quốc dự định mở cửa trở lại các trường mầm non, tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học sẽ áp dụng phương pháp quản lý khép kín nghiêm ngặt, trong khi các trường cao đẳng và đại học có thể được chia thành các khu vực để dễ quản lý.

Các cơ sở giáo dục đại học sẽ không còn áp dụng quy định xét nghiệm axit nucleic bắt buộc đối với tất cả sinh viên nữa mà chỉ yêu cầu thực hiện xét nghiệm này hoặc xét nghiệm kháng nguyên đối với một số nhóm nhất định theo quy định.

Ngoài những người đến trường từ các khu vực khác, các giáo viên và sinh viên của trường cao đẳng và đại học sẽ được miễn xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm axit nucleic khi ra vào các cơ sở giáo dục này.

Đối với khối trường mầm non, tiểu học và trung học, xét nghiệm axit nucleic sẽ được thực hiện linh hoạt như luân phiên hoặc ngẫu nhiên. Những người khác đến các cơ sở giáo dục này sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm axit nucleic.

Kế hoạch trên của Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng yêu cầu các trường học nên chuẩn bị sẵn thuốc và các bộ xét nghiệm kháng nguyên đủ cho khoảng 15-20% tổng số học sinh, sinh viên của trường, đồng thời duy trì dự trữ vật tư y tế phòng chống dịch bệnh đủ dùng trong hơn 1 tuần.

Bộ này cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trên nâng cao năng lực phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trong không gian trường học, tăng cường theo dõi sức khỏe cho giáo viên và học sinh, đồng thời cải thiện vệ sinh ở các khu vực công cộng của trường.

Tại Malaysia, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, chuyên gia về y tế công cộng, Khoa Y sinh, trường Đại học Kebangsaan Malaysia, Giáo sư, Tiến sĩ Sharifa Ezat Wan Puteh cho biết chính phủ phải xem xét những diễn biến hiện tại liên quan đến COVID-19 để ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể vốn chưa được phát hiện. Trao đổi với báo giới, bà cho biết nguy cơ các biến thể mới xâm nhập vào Malaysia là rất cao, hơn nữa Tết Nguyên đán đang đến gần nên rất khó để có thể kiểm soát tốt việc dịch chuyển.

Cố vấn, Tiến sĩ Zainal Ariffin Omar của Tổ chức Y tế Công cộng Malaysia cho biết ông tin rằng không cần thiết phải áp đặt các hạn chế đối với du khách từ Trung Quốc, nhưng Bộ Y tế (MOH) cùng với các hãng hàng không phải giám sát chặt chẽ thông qua các biện pháp như xuất trình chứng chỉ vắc xin và phải xét nghiệm COVID-19, tốt nhất là xét nghiệm PCR. Tiến sĩ Zainal cũng kêu gọi chính phủ đảm bảo ngày càng nhiều người dân Malaysia được tiêm liều vắc xin tăng cường COVID-19 như một biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo ông, tỉ lệ tiêm liều nhắc lại thấp trong nước có thể gây ra rủi ro.

Theo dữ liệu trên trang web KKMNOW, đến trưa 31/12, tổng cộng 16.278.669 - tương đương với 49,8% dân số cả nước - đã tiêm mũi tăng cường đầu tiên trong khi chỉ có 629.215 người hay 1,9% số người đã tiêm mũi tăng cường COVID-19 thứ hai.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/291913/phap-anh-yeu-cau-xet-nghiem-covid-19-voi-hanh-khach-tu-trung-quoc.html