Pháp: Báo động tình trạng trục lợi trong cải tạo năng lượng

Năm 2024, các biện pháp kiểm soát đối với các khoản viện trợ công để cải tạo năng lượng trong các tòa nhà sẽ được tăng cường, nhằm tránh xảy ra tình trạng lừa đảo, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher thông báo hôm thứ Ba (ngày 12/9), đồng thời dự kiến sẽ tăng thêm ngân sách của Anah, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý khoản viện trợ này.

Tại lễ khai mạc Diễn đàn Renodays đầu tiên tại Paris về các vấn đề liên quan đến việc cải tạo năng lượng trong các tòa nhà, bà Agnès Pannier-Runacher cho biết các biện pháp kiểm soát "sẽ tăng 40% vào năm 2024".

Bộ trưởng đảm bảo rằng bà sẽ "không nhân nhượng" trong việc tăng cường cuộc chiến chống lừa đảo.

"Những kẻ lừa đảo không chỉ làm suy yếu lòng tin của người Pháp mà còn gây tổn hại đến công việc của bạn", bà tuyên bố trước một nhóm chuyên gia, từ kỹ thuật viên điện nóng đến kỹ sư nhiệt lạnh, kể cả thợ xây và kiến trúc sư.

Ngân sách năm 2024 của Cơ quan Nhà ở Quốc gia Pháp (Anah), phụ trách chương trình trợ cấp cải thiện chất lượng nhà ở hàng đầu MaPrimeRénov, sẽ tăng thêm 1,6 tỷ euro vào năm 2024, giúp phân phối nhiều khoản trợ cấp hơn.

Một nhóm gồm 2.000 "người hướng dẫn cải tạo" sẽ được thành lập vào năm 2024 (4.000 người vào cuối năm 2025), với vai trò là "bên thứ ba đáng tin cậy" của các hộ gia đình, giúp họ hoàn thành các hồ sơ hành chính và kỹ thuật để tài trợ cho quá trình cải tạo năng lượng trong các tòa nhà.

Dịch vụ mới này nhằm giúp người dân giảm thiểu các chi phí liên quan đến sưởi ấm và tránh bị quấy rối hoặc lừa đảo qua điện thoại khi không biết có nên thay lò sưởi, cửa sổ hay làm lại lớp cách nhiệt hay không.

Đã có hơn 10.000 khiếu nại của người tiêu dùng được ghi nhận trong năm 2022, liên quan đến các hành vi sai trái, lạm dụng quảng cáo qua điện thoại, thậm chí là chiếm đoạt trái phép các khoản trợ cấp của nhà nước, tương tự quy mô lừa đảo có tổ chức, ông Romain Roussel, một quan chức của cơ quan chống lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng Pháp (DGCCRF), đã nhấn mạnh vào ngày 12/4 trước một ủy ban của Thượng viện.

Năm 2023, DGCCRF đã tiến hành 1.200 cuộc kiểm tra và đã phát hiện ra tỷ lệ bất thường từ 50-56% số cơ sở đã đến, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của các lĩnh vực tiêu dùng khác.

Những trường hợp lừa đảo như ký các hợp đồng cho vay không rõ ràng có thể khiến nhiều nạn nhân lâm vào tình cảnh nợ nần.

Ý Thiên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phap-bao-dong-tinh-trang-truc-loi-trong-cai-tao-nang-luong-694159.html