Pháp bắt đầu chiến dịch vận động bầu cử lập pháp

Chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc hội ở Pháp chính thức bắt đầu từ rạng sáng 17/6 theo giờ địa phương, trong bối cảnh cử tri Pháp đang chia rẽ giữa việc ủng hộ và phản đối đảng Tập hợp quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen, đảng đang được dự đoán sẽ giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới.

Các ứng cử viên Quốc hội Pháp đã có thời hạn đến nửa đêm ngày 16/6 để đăng ký tranh cử, và chiến dịch vận động bầu cử chính thức bắt đầu vào rạng sáng 17/6. Cuộc bỏ phiếu vòng một sẽ được tổ chức vào ngày 30/6 trong khi vòng hai sẽ diễn ra vào ngày 7/7.

ĐẢNG CỰC HỮU CHIẾM ƯU THẾ

Hiện liên minh của ông Macron đang tụt hậu với rất ít cơ hội giành được đa số tuyệt đối phiếu bầu. Trong khi đó, các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu đang trên đà trở thành đảng lớn nhất tại Quốc hội Pháp, một viễn cảnh có thể trở thành “trận động đất” trên chính trường châu Âu, khiến các các đối tác quốc tế của Pháp, các nhà đầu tư và một bộ phận công chúng Pháp vô cùng lo ngại.

Dư luận tại Pháp, bao gồm cả các cựu lãnh đạo, cho rằng ông Macron đã mạo hiểm khi kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử sớm, mà khả năng có thể dẫn tới việc đảng cực hữu Tập hợp quốc gia của bà Marine Le Pen đứng đầu chính phủ, và lãnh đạo của đảng này là ông Jordan Bardella (28 tuổi) trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, ông Macron đã loại trừ khả năng sẽ từ chức bất kể kết quả bỏ phiếu ra sao.

MỐI BĂN KHOĂN CỦA CỬ TRI PHÁP

Trong khi một bộ phận cử tri trẻ ở Pháp đặc biệt ủng hộ đảng cực hữu thì cuối tuần qua, hàng chục nghìn người Pháp đã xuống đường để phản đối lập trường của đảng này về các vấn đề nhân quyền, môi trường và kinh tế.

Những người ôn hòa ở Pháp đặc biệt lo ngại về quan điểm cực đoan của đảng cực hữu khi đảng này từng vận động để rút Pháp khỏi khu vực sử dụng đồng euro cũng như có thái độ hoài nghi châu Âu, chống người nhập cư.

Trong cấu trúc thể chế của Pháp, Tổng thống chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng Thủ tướng mới là người kiểm soát các vấn đề trong nước như chính sách tài khóa và đây cũng là điểm khiến dư luận Pháp lo ngại./.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phap-bat-dau-chien-dich-van-dong-bau-cu-lap-phap-225994.htm