Pháp bị gạt sang một bên khi Italy và Đức bắt tay nhau
Italy và Pháp đã có những bước tiến đáng kể để hàn gắn mối quan hệ rạn nứt, nhưng vẫn còn một số căng thẳng liên quan đến các giao dịch kinh doanh.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang dẫn đầu một loạt các thỏa thuận kinh doanh chặt chẽ hơn giữa hai nước. Chuyến thăm đầu tiên của bà Meloni trên cương vị Thủ tướng tới Berlin hôm 22/11 đánh dấu cuộc gặp cấp cao nhất giữa Italy và Đức trong 7 năm qua.
Chính quyền Meloni trong những tuần gần đây đã thực hiện một loạt động thái nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ doanh nghiệp nước ngoài, trải dài từ lĩnh vực hàng không vũ trụ đến các hãng hàng không và viễn thông – trong đó Pháp bị gạt sang một bên.
Thực thi “quyền lực vàng”
Gần đây nhất, Rome đã chặn Tập đoàn Safran của Pháp mua lại Microtecnica, công ty con của Collins Aerospace tại Italy, trong thương vụ trị giá 1,8 tỷ USD, vì nó có thể đe dọa nguồn cung cho các lực lượng vũ trang quốc gia, bà Meloni cho biết tại Berlin hôm 22/11, sau cuộc gặp với ông Scholz.
Quyết định này được đưa ra nhằm tránh những rủi ro tiềm ẩn đối với “sự sẵn sàng của các lực lượng vũ trang của chúng tôi” và “nguy cơ gián đoạn trong chuỗi hậu cần của chúng tôi”, bà Meloni nói.
Theo Bloomberg, Berlin đóng vai trò quan trọng trong quyết định trên của Rome. Trong các cuộc tham vấn với Rome, các quan chức Đức cảnh báo rằng việc để Microtecnica – công ty chuyên sản xuất các hệ thống điều khiển chuyến bay – bị mua lại có thể dẫn đến sự gián đoạn việc cung cấp phụ tùng và dịch vụ trong các dự án máy bay phản lực Eurofighter và Tornado.
Trong khi đó, Reuters dẫn 2 nguồn tin từ Chính phủ Đức cho biết, Berlin không yêu cầu Rome cấm vụ tiếp quản, nhưng nên thực hiện các biện pháp để đảm bảo nguồn cung phụ tùng thay thế cho các máy bay chiến đấu tấn công đa nhiệm Eurofighter Typhoon và Tornado.
Dù thế nào chăng nữa, điều quan trọng là Italy đã không thông báo cho Pháp trước khi Rome thực thi cái gọi là “quyền lực vàng”, cho phép nhà nước giám sát các giao dịch liên quan đến tài sản được coi là có giá trị chiến lược quốc gia. Điều đó đã gây ra sự khó chịu ở Paris, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Phát biểu bên cạnh người đồng cấp Đức ở Berlin, Thủ tướng Meloni cho biết Italy “không thiếu cơ hội” để giải thích cho các đồng minh của mình lý do cho biện pháp trên, và đề xuất một cuộc họp báo “muộn” để làm điều đó.
Bản thân Safran – nhà sản xuất thiết bị máy bay lớn thứ hai thế giới – cũng phàn nàn rằng họ bị bất ngờ bởi quyết định của Chính quyền Italy vì trong nhiều năm qua họ đã chứng minh rằng họ là nhà cung cấp đáng tin cậy cho nhiều chương trình quốc phòng.
Căng thẳng lâu đời
Thủ tướng Meloni cũng cho biết rằng Italy có kế hoạch thông báo cho Liên minh châu Âu (EU) vào tuần tới về tiến độ bán cổ phần của ITA Airways, hãng hàng không hàng đầu của nước này, cho Deutsche Lufthansa AG của Đức.
Thỏa thuận này đã được xúc tiến trong nhiều tháng qua và được theo dõi chặt chẽ bởi đối thủ là Air France-KLM, một tập đoàn hàng không Pháp-Hà Lan có trụ sở tại sân bay Paris-Charles de Gaulle ở Tremblay-en-France, gần Paris.
Rome đã thúc ép Brussels đẩy nhanh quá trình phê duyệt thương vụ, nhằm loại bỏ một khối tài sản từ lâu đã không còn mang lại lợi nhuận.
Kể từ khi bà Meloni nhậm chức vào năm ngoái, Italy và Pháp đã có những bước tiến đáng kể để hàn gắn mối quan hệ rạn nứt, nhưng vẫn còn một số căng thẳng lâu đời liên quan đến các giao dịch kinh doanh, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết.
Trong quá khứ, Rome thường xuyên không hài lòng với Paris về các thương vụ mua lại doanh nghiệp mà Pháp thực hiện ở Italy, được coi là được thực hiện một cách độc đoán và ít quan tâm đến các mối quan ngại của địa phương.
Các quan chức ở Rome vẫn phàn nàn về việc Enel SpA đấu thầu công ty Suez SA của Pháp năm 2006 đã bị Tổng thống Pháp lúc đó là ông Jacques Chirac cản trở.
Các nhà ngoại giao Italy vẫn phản đối việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức cuộc gặp năm 2017 với chính quyền Libya ở Paris mà không mời Italy, nước đã tham gia sâu vào các cuộc đàm phán với quốc gia Bắc Phi này.
Gần đây hơn, Italy và Pháp đã hủy bỏ thỏa thuận hợp tác đã được lên kế hoạch từ lâu giữa các nhà máy đóng tàu Fincantieri SpA và Chantiers de l’Atlantique của 2 nước, đổ lỗi cho suy thoái kinh tế và việc không nhận được “đèn xanh” từ cơ quan chống độc quyền của EU.
Hiện căng thẳng song phương đang cản trở nỗ lực của Telecom Italia SpA, từng là công ty độc quyền về điện thoại của Italy, nhằm bán mạng điện thoại cố định của mình cho công ty đầu tư KKR & Co của Mỹ với giá lên tới 22 tỷ Euro (24 tỷ USD).
Tập đoàn truyền thông Pháp Vivendi SE, cổ đông lớn nhất của Telecom Italia SpA, đang thách thức thương vụ này. Vivendi cho biết họ “sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý có sẵn” để hủy bỏ kế hoạch này.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)