Pháp Bố tát theo tinh thần Luật tạng Pali và Tứ phần luật

Từ góc độ luật học Phật giáo, việc khảo sát pháp Bố-tát trong Luật tạng Pāli và Tứ phần Luật không chỉ cho thấy sự tương đồng về nguyên tắc và mục đích, mà còn phản ánh các dị biệt về hình thức, cấu trúc nghi lễ và bối cảnh phát triển lịch sử.

Tác giả: NCS. TKN. Thích nữ Liên Liên

1. Dẫn nhập

Pháp Bố tát (Pāli: uposatha; Hán dịch: 布薩) là một nghi lễ trọng yếu trong đời sống Tăng đoàn Phật giáo, được cử hành định kỳ nhằm tụng giới, sám hối và thúc liễm thân tâm. Không chỉ mang tính nghi thức, Bố tát còn là thiết chế tu học đặc thù phản ánh tính tổ chức, kỷ luật và nội lực thanh tịnh của Tăng bảo. Trong Luật tạng của cả hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền, pháp Bố-tát được trình bày như một cơ chế vận hành giới luật, duy trì sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng đoàn.

Từ góc độ luật học Phật giáo, việc khảo sát pháp Bố tát trong Luật tạng Pāli và Tứ phần Luật không chỉ cho thấy sự tương đồng về nguyên tắc và mục đích, mà còn phản ánh các dị biệt về hình thức, cấu trúc nghi lễ và bối cảnh phát triển lịch sử. Qua đó, có thể nhận diện rõ hơn vai trò trung tâm của pháp Bố tát trong việc duy trì giới pháp, củng cố đạo nghiệp cá nhân và ổn định sinh hoạt tập thể của Tăng đoàn. Bài viết này tập trung trình bày những nét chính về pháp Bố tát theo tinh thần Luật tạng, làm cơ sở cho việc nhận thức đúng và hành trì đúng pháp chế này trong bối cảnh tu học hiện nay.

Hình ảnh minh họa (sưu tầm).

Hình ảnh minh họa (sưu tầm).

2. Nội dung

2.1 Sơ lược về khái niệm từ nguyên Bố-tát (布薩, Pāli: uposatha)

Bố tát (布薩; Uposatha), từ này là một dạng hỗn chủng của tiếng Sanskrit Phật giáo, tiếng Pāli đọc là Uposatha, tiếng Sanskrit tiêu chuẩn gọi là Upavasatha. Thuật ngữ Posatha có nghĩa là nuôi lớn và duy trì. Trung Hoa dịch là trưởng tịnh (長淨), trưởng dưỡng (長養), tăng trưởng (增長), thiện túc (善足), tịnh trụ (淨住), trưởng trụ (長 住), cận trụ (近住), cộng trụ (共住), đoạn (斷), xả (捨). Nghĩa là nuôi lớn sự thanh tịnh hay duy trì các thiện pháp. Đây cũng được dịch là hướng với nhau để nói tội, tức trong mỗi nữa tháng thuyết giới hỏi sự thanh tịnh nhau. Như vậy, Bố tát là ngày định kỳ thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp của hành giả tu hành, nhằm nuôi lớn các thiện pháp, giới thân huệ mạng khiến chúng trưởng thành trong sự thanh tịnh, nhằm duy trì và phát triển sinh mệnh của Tăng đoàn trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh.[1]

2.2 Bố tát theo tinh thần Luật tạng Pāli và Tứ phần luật

Lúc đầu, Bố tát chỉ đọc tụng giới một cách khái quát qua bài kệ “Không làm các điều ác, vâng làm các hạnh lành. Giữ tâm ý trong sạch, lời Phật dạy rành rành.”[2] Về sau, mỗi lần Bố tát, hội chúng phải tụng đọc lại toàn bộ các giới mà đức Phật đã qui định. Những điều giới này được chư Tổ, các nhà nghiên cứu Luật học phân chia thành một hệ thống hoàn chỉnh, gồm có năm thiên và bảy tụ (cho dễ đọc và hành trì) như hiện nay. Theo đó, với Tứ phần luật (TPL), Tỳ-kheo có 250 giới, Tỳ-kheo-ni có 348 giới; Luật tạng Pāli (LTP) thì Tỳ-kheo có 227 giới và Tỳ-kheo-ni có 311 giới.[3]

a) Về thời gian Bố tát, tính theo 15 ngày nửa tháng thì cả hai hệ thống luật đều như nhau. Đó là ngày mồng 8, 14 và 15. Cụ thể như sau, với LTP, bậc Thiện Thệ dạy “mỗi (nửa) tháng tập hội ba lần, vào các ngày mồng 8, 14 và 15”[4]; và LTP, đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng.”[5] Hay nói cách khác, hội chúng được tập họp Bố tát vào những ngày trên theo định kỳ nửa tháng nhưng đọc tụng giới bổn thì chỉ đọc tụng một lần vào ngày 14 hoặc ngày 15 của nửa tháng, cũng có nghĩa một tháng được đọc tụng Giới bổn (Pātimokkha) hai lần, đó là ngày 14 hoặc rằm và 30 (nếu tháng thiếu, đọc giới bổn vào ngày 29).

Cả hai hệ thống luật đều quy định, trước khi Bố tát, đại chúng phải sám hối cho thanh tịnh rồi mới thực hiện pháp sự Bố tát.[6] Nếu người phạm tội không sám hối trước khi Bố tát thì không được Bố tát, không được tụng giới, cũng không được nghe tụng giới. Song, riêng các tội phạm thuộc về tội trọng (Ba-la-di, Tăng tàn) thì Bố tát xong mới được như pháp mà cho sám hối hay diệt tẫn (tẫn xuất) những trường hợp đó. Trong thời gian Bố tát, những người phạm tội này không được tham dự.

Cũng theo hai hệ thống luật này, lễ Bố tát phải được diễn ra bình thường theo như pháp. Nghĩa là phải trải qua các trình tự như ấn định ranh giới, địa điểm thuyết giới, tác pháp yết-ma sám hối, hội chúng thanh tịnh và hòa hợp rồi bắt đầu tụng đọc giới bổn… Song, trong các trường hợp đặc biệt thì đức Phật cho phép đại chúng Bố tát (thuyết giới) tóm lược. Theo TPL, gồm có tám nạn sự mà hội chúng được phép Bố-tát tóm lược, còn LTP thì đề cập đến mười trường hợp được tụng đọc giới bổn tóm tắt.

Tám nạn sự theo TPL gồm:

1. Vua;

2. Giặc cướp;

3. Lửa;

4. Nước;

5. Bệnh;

6. Nhân;

7. Phi nhân;

8. Ác trùng.

Ngoài ra còn có các trường hợp khác như đại chúng đông mà chỗ ngồi ít, hay đa số trong chúng là người bị bệnh không khỏe.

Mười trường hợp theo LTP được tụng giới vắn tắt như sau:

1. Sự nguy hiểm từ đức vua;

2. Sự nguy hiểm vì trộm cướp;

3. Sự nguy hiểm vì hỏa hoạn;

4. Sự nguy hiểm vì nước ngập;

5. Sự nguy hiểm vì loài người;

6. Sự nguy hiểm vì phi nhân;

7. Sự nguy hiểm vì thú dữ;

8. Sự nguy hiểm vì rắn;

9. Sự nguy hiểm cho mạng sống;

10. Sự nguy hiểm cho Phạm hạnh.

Như vậy, so với TPL thì LTP hầu như giống với TPL về 8 trường hợp đầu tiên; còn 2 trường hợp cuối (sự nguy hiểm cho mạng sống và nguy hiểm cho Phạm hạnh) thì chỉ có LTP đề cập đến, TPL không nhắc đến. Đây là điểm dị biệt giữa hai hệ thống này về các chướng nạn mà bậc Đại Sĩ cho phép hội chúng Bố tát (tụng đọc giới bổn) tóm lược.

b) Về thể thức đọc tụng giới bổn, đức Phật dạy có năm thể thức thuyết giới, còn gọi là năm cách tụng đọc giới bổn. Đây là điểm tương đồng giữa hai hệ thống luật.[7] Dù rằng thứ tự thuyết giới giữa hai hệ thống khác nhau (ví dụ cách thứ năm trong LTP là cách đầu tên trong TPL) nhưng xét trên mặt ý nghĩa lại tương đối giống nhau. Năm thể thức tụng đọc giới bổn tóm lược như sau:

Thuyết giới đầy đủ từ đầu đến cuối.

Thuyết giới tóm lược từ bài tựa Giới kinh đến pháp Bất định rồi kết thúc.

Thuyết từ bài tựa đến pháp Tăng tàn rồi kết thúc.

Thuyết từ bài tựa đến pháp Ba-la-di rồi kết thúc.

Chỉ nói bài tựa Giới kinh rồi kết thúc.[8]

Trong năm cách thức này, cách thứ năm là phương pháp tụng đọc giới bổn trong những lễ Bố-tát thông thường, không có chướng nạn ảnh hưởng. Bốn cách thức trên dành cho trường hợp có các nạn sự ảnh hưởng.[9]

Cả hai bộ luật đều ghi nhận, trong lễ Bố tát, toàn thể hội chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tại một trú xứ đều phải tập trung đầy đủ ở tại một nơi cụ thể trong trú xứ ấy nhằm tránh tình trạng biệt chúng và phá Tăng. Nhưng nếu vào hôm Bố tát, có vị vì bệnh duyên, sức khỏe yếu không đến được hay người trông bệnh… không thể đến dự lễ Bố tát thì được phép gởi ý nguyện, ước muốn và thuyết tịnh.[10] Khi đó, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không được từ chối người khác gởi ý nguyện, ước muốn và thuyết tịnh (với lý do chính đáng, đúng pháp) cho mình, nhưng vị hàng Thượng tọa có thể chấp nhận hoặc từ chối nếu vị Thượng tọa đó không muốn. Một người có thể nhận dục từ một người hoặc nhiều người, nghĩa là không giới hạn số lượng người gởi ý nguyện, ước muốn. Song, nếu vị nhận gởi ý nguyện, ước muốn ấy có duyên sự phải đến trú xứ khác thì phải gởi ý nguyện, ước muốn ấy sang cho vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni khác.

Ngoài ra, TPL và LTP đều chung ý đối với trường hợp các vị bị si cuồng điên đảo, không định tĩnh, mất trí nhớ, là những người không nhớ rõ ngày lễ Bố tát, không đến tham dự lễ như pháp, thì chúng Tăng phải tác pháp yết-ma xác quyết vị ấy bị bệnh loạn tâm cuồng si. Và khi đã yết-ma xong, đến lễ Bố tát, dù vị ấy có đến tham dự hay không đều không mang tội Biệt chúng. Khi nào vị ấy tỉnh táo, không còn bệnh như trên thì được Tăng tác pháp xác nhận vị ấy như bao người bình thường khác, để vị này được trở lại sinh hoạt theo Tăng chúng như các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni khác.

Khi thực hiện lễ Bố tát, vị thuyết giới hay tụng đọc giới bổn là Thượng tọa (theo TPL) và Trưởng lão (theo LTP). Dù rằng ngôn từ danh xưng có khác nhưng tựu trung lại, ở cả hai hệ thống luật, vị tụng đọc giới bổn trước hội chúng phải là bậc trưởng thượng, thâm niên về đạo đức, thấu hiểu rành rẽ về Giới, về Luật, biết và thực hành các hành sự tác pháp yết-ma một cách rõ ràng, là người mà đại chúng kính nể về giới hạnh lẫn giới đức.

Đối với hội chúng Ni, theo Bát kính pháp mà đức Phật đã quy định cho các Tỳ-kheo-ni, thì các vị này phải sai một hoặc một vài Tỳ-kheo-ni khác sang Tăng cầu thỉnh giáo thọ giáo giới. Vì đức Phật đã dạy rằng Tỳ-kheo phải có trách nhiệm giáo huấn Tỳ-kheo-ni. Do đó, khi gần đến ngày thuyết giới Bố tát, hội chúng Ni nên hành pháp sự bạch nhị yết-ma rồi cử một Tỳ-kheo-ni cùng với một hoặc hai vị sai riêng cùng đến trú xứ Tăng cầu xin thầy giáo thọ. Các vị này có thể đến nhờ vị Tỳ-kheo chấp sự thỉnh giúp giáo thọ, hoặc trực tiếp thân hành đến xin vào giờ chúng Tăng tụng đọc giới bổn. Hoặc Tỳ-kheo-ni có thể nói tên cụ thể của vị Tỳ-kheo mà Ni chúng muốn thỉnh để Tăng sai vị ấy sang giáo giới cho Ni. Trong trường hợp Tỳ-kheo-ni chỉ sang cầu xin giáo thọ mà không nêu tên vị nào cụ thể, cũng không nhờ Tỳ-kheo chấp sự giúp thì theo pháp, vị yết-ma phải hỏi xem đại chúng Tăng, ai là người có thể đảm nhận được việc này thì cử vị ấy đi.[11] Nếu hỏi xong mà vẫn không có ai đảm nhận việc ấy thì vị chủ tọa yết-ma phải tóm tắt giá trị ý nghĩa của giới luật và khuyên nhắc, sách tấn chư Tỳ-kheo-ni ngang qua việc nhắc nhở vị Tỳ-kheo-ni cầu xin giáo thọ.

Hơn nữa, cả hai bộ luật đều chung về số lần Bố tát trong một ngày. Hay nói cách khác, cả hai bộ luật đều ghi nhận trong một ngày, không được Bố tát hai lần; một trú xứ không được có hai giảng đường Bố tát mà tất cả Tỳ-kheo (Tỳ-kheo-ni) phải tập trung tại một giảng đường để hành pháp sự Bố tát. Những vị tham dự phải thanh tịnh, hòa hợp, không tranh đấu, kiện cáo lẫn nhau làm mất bản thể thanh tịnh Tăng đoàn. Nếu khi Tăng thường trú đã làm lễ Bố tát xong, có việc nên rời khỏi nơi ấy thì phải có trách nhiệm nhờ người khác hoặc làm dấu hiệu để lại cho khách Tăng có đến sau cũng biết nơi này đã Bố-tát rồi, tránh trường hợp vị này không biết, lại hành pháp sự Bố tát.

Nếu trường hợp ngày Bố tát, có cả chúng Tăng thường trú và Tăng vãng lai thì thời gian Bố tát (ngày 14 hay ngày rằm) được hội chúng Tỳ-kheo có số lượng nhiều hơn quyết định chọn ngày cụ thể. Trong trường hợp Tỳ-kheo thường trú Bố tát vừa xong thì Tăng vãng lai đến, nếu khách Tăng ít hơn thì Tỳ-kheo khách phải bạch với Tỳ-kheo thường trú là mình hoàn toàn thanh tịnh; nếu khách Tăng nhiều hơn Tăng thường trú thì các vị này được phép yêu cầu thuyết giới lại từ tựa giới kinh, nhưng chỉ được tụng đọc giới bổn, không được tác pháp yết-ma.

Khi thuyết giới, trong hội trường Bố-tát chỉ nên có chúng Tỳ-kheo (Tỳ-kheo-ni nếu đó là lễ Bố-tát của Ni chúng), không cho phép Sa-di, Thức-xoa-ma-na hay hàng bạch y hiện diện. Nói cách khác, những người chưa thọ Cụ túc giới thì không được tham dự lễ Bố tát. Nếu có người như vậy, phải tìm cách để họ đi ra khỏi nơi ấy, nhưng nếu họ không đi thì đại chúng đó phải tìm nơi (phòng) khác tại trú xứ để tụng đọc giới bổn. Trước khi Bố tát, phải thông báo trong chúng biết khi nào Bố tát. Khi hội chúng an tọa chuẩn bị Bố tát, vị chủ tọa phải kiểm tra túc số. Lúc này, vị nào nhận dục thì cũng trình với chúng Tăng.

Một cách tổng quát, hai hệ thống giới luật khá tương đồng với nhau về thể thức Bố tát. Từ phương thức tác pháp yết-ma, sám hối trước khi Bố tát cho đến các quy củ về phương pháp tụng đọc giới bổn, người đọc giới bổn... đều giống nhau, chỉ có một vài dị biệt không đáng kể. Qua đó, chúng ta đủ hiểu rằng, từ Bố tát đến cả an cư, tự tứ... tất cả những pháp này là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn Phật giáo trong tiến trình tu dưỡng Phạm hạnh của hàng xuất gia.

Như vậy, trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa, Bố tát (布薩, Pāli: uposatha) là một pháp hành đặc biệt có ý nghĩa sâu xa về mặt giới luật, thanh tịnh tâm thức và tăng trưởng đạo hạnh. Đây không chỉ là một nghi thức sinh hoạt định kỳ trong Tăng đoàn mà còn là phương tiện thực hành căn bản nhằm duy trì và kiện toàn đời sống phạm hạnh của các vị xuất gia, đồng thời là nền tảng thiết yếu cho sự tồn tại và hưng thịnh của Tăng bảo.

Trong Luật tạng, cả hai truyền thống Pāli và Hán tạng đều dành vị trí quan trọng cho pháp Bố tát. Luật tạng Pāli, đại diện cho truyền thống Thượng tọa bộ, mô tả Bố tát như là một ngày thiêng liêng định kỳ để tụng giới (pātimokkha), sám hối lỗi lầm và khích lệ đời sống phạm hạnh của Tăng chúng. Mỗi nửa tháng, vào ngày trăng tròn (uposatha) và trăng non (cātuddasa hoặc aṭṭhāṅgika uposatha), chư Tăng vân tập để thực hành nghi thức tụng giới, kiểm điểm và sám hối lỗi lầm nếu có, từ đó tăng trưởng phạm hạnh và duy trì thanh tịnh trong Tăng đoàn.

Trong Tứ phần luật, một trong những bộ luật tiêu biểu và hệ thống nhất của truyền thống Đại thừa, pháp Bố tát được trình bày với nội dung tương đồng về mặt nguyên tắc nhưng lại mang tính chi tiết và nghi lễ phong phú hơn. Tứ phần Luật nhấn mạnh đến sự trang nghiêm trong hành trì giới luật, vai trò của giới bản (Ba-la-đề-mộc-xoa) như là trụ cột của đời sống xuất gia, và xem Bố-tát là dịp để khôi phục giới thể, phát triển tâm hổ thẹn (hiri-ottappa), và duy trì sự đồng thuận hòa hợp trong chúng.

Tuy có khác biệt nhất định về hình thức và cách diễn đạt, cả hai hệ thống luật đều cho thấy rằng Bố tát không chỉ đơn thuần là một sinh hoạt tụng niệm mà còn mang ý nghĩa hộ trì Chính pháp, bảo vệ Tăng đoàn, và thúc liễm thân tâm – ba yếu tố then chốt của đời sống Phật giáo. Từ góc nhìn nghiên cứu, pháp Bố tát phản ánh chiều sâu tổ chức nội bộ của Tăng đoàn Phật giáo thời kỳ đầu, cũng như cho thấy khả năng thích ứng và phát triển đa dạng của giới luật trong các truyền thống và bối cảnh lịch sử – văn hóa khác nhau.

Do đó, việc khảo sát pháp Bố tát trong tinh thần Luật tạng nói chung, với trọng tâm là Luật tạng Pāli và Tứ phần luật, không những góp phần làm sáng tỏ nền tảng giới luật của Tăng đoàn, mà còn mở ra những hướng tiếp cận mới trong việc nghiên cứu lịch sử, tổ chức và giá trị đạo đức của Phật giáo. Đây là bước tiếp cận cần thiết để hiểu đúng và hành trì đúng pháp Bố tát – một trong những pháp tu căn bản và thiết yếu nhất cho người xuất gia trong cả hai truyền thống Phật giáo lớn.

3. Kết luận

Pháp Bố tát, với vai trò là một sinh hoạt định kỳ trọng yếu trong Tăng đoàn, không chỉ đơn thuần là nghi thức tụng giới và sám hối, mà còn mang ý nghĩa sâu xa về mặt giới thể, đạo đức và tổ chức nội bộ của Phật giáo. Qua quá trình khảo sát đối chiếu giữa Luật tạng Pāli của truyền thống Thượng tọa bộ và Tứ phần luật thuộc hệ Bắc truyền, có thể nhận thấy rằng dù hình thức hành trì có phần khác biệt, nhưng cốt lõi của pháp Bố tát đều hướng đến việc duy trì sự thanh tịnh của Tăng đoàn và tăng trưởng phẩm hạnh nơi mỗi hành giả xuất gia.

Điểm tương đồng căn bản giữa hai truyền thống là sự nhấn mạnh vào tự tỉnh thức, tự kiểm điểm, và sám hối chân thành như những yếu tố thiết yếu giúp hàng Tỳ-kheo giữ gìn phạm hạnh. Bên cạnh đó, sự khác biệt về phương thức hành trì – như cấu trúc nghi lễ, số lượng giới điều được tụng, hoặc phạm vi đối tượng tham dự – cho thấy tính thích nghi của pháp Bố tát trong từng hoàn cảnh lịch sử và văn hóa cụ thể. Những dị biệt ấy, xét từ góc độ luật học, không làm mất đi giá trị cốt lõi, mà còn phản ánh tính linh hoạt và khả năng vận hành bền vững của giới luật Phật giáo qua các truyền thống.

Trong bối cảnh hiện đại, khi đời sống Tăng đoàn ngày càng đối diện với nhiều thách thức từ xã hội, pháp Bố tát càng cho thấy giá trị thiết thực và tính khả thi trong việc duy trì chuẩn mực tu hành và sự hòa hợp Tăng già. Do đó, việc nghiên cứu nghiêm túc và hành trì đúng pháp Bố tát không chỉ là trở về với tinh thần nguyên thủy của giới luật, mà còn là nền tảng để bảo tồn, phục hưng và phát triển đạo hạnh của Tăng bảo trong thời đại hôm nay.

Từ viết tắt:

- LTP: Luật tạng Pāli

- TPL: Tứ phần luật

- HT: Hòa thượng

- TK: Tỳ-kheo

- TKN: Tỳ-kheo-ni

- tr.: trang

Tài liệu tham khảo:

Đại phẩm, tập 1, Indacanda dịch, Nxb: Tôn giáo, 2017.

Luật Tứ phần, tập 3, HT. Thích Đỗng Minh dịch, Nxb: Phương Đông, 2013.

Một số vấn đề giới luật, TK. Thích Phước Sơn, Nxb: Phương Đông, 2006.

Luật học tinh yếu, HT. Thích Phước Sơn, Nxb: Phương Đông, 2006.

Khuyến phát Bồ-đề tâm văn, HT. Thích Tuyên Hóa dịch, Nxb: Hồng Đức, 2016

Chú thích:

[1] https://thuvienhoasen.org/a27966/y-nghia-le-bo-tat-thuyet-gioi. Truy cập 5:41pm, ngày 26/04/2021

[2] Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo (諸 惡 莫 作, 眾 善 捧 行, 自 淨其 意, 是 諸 佛 教). Một số vấn đề giới luật, tr. 83

[3] Xem Luật học tinh yếu, HT. Thích Phước Sơn, Nxb: Phương Đông, 2006, tr. 104

[4] Luật Tứ phần, tập 3, HT. Thích Đỗng Minh, Nxb: Phương Đông, 2013, tr. 1260

[5] Đại phẩm, tập 1, Indacanda dịch, Nxb: Tôn giáo, 2017, tr. 197

[6] Người phạm tội phải hướng về một hoặc nhiều vị không phạm tội, hoàn toàn thanh tịnh và nói rõ tội mình phạm rồi cầu xin sám hối. Nếu tại một trú xứ mà đại chúng đều không thanh tịnh, tất cả đều phạm tội thì hội chúng nơi đó phải cử hai hoặc ba vị ở nơi này sang nơi khác có vị thanh tịnh, xin tác pháp sám hối. Sau khi sám hối xong, hai hoặc ba vị được cử đi kia được xem như thanh tịnh, và sẽ tác pháp sám hối tại trú xứ mình khi trở về. Ngoài trường hợp đó ra, trú xứ ấy có thể thỉnh một vị Tỳ-kheo thanh tịnh ở nơi khác đến tác pháp sám hối giúp. Nếu trường hợp không thỉnh Tăng được, cũng không Tăng sai sám hối được thì cả hội chúng trú xứ đó phải sám hối tập thể, xong rồi mới được hành pháp sự Bố-tát.

[7] Xem Đại phẩm, tập 1, tr. 216 và Luật Tứ phần, tập 3, tr. 1289, 1290.

[8] Luật học tinh yếu, HT. Thích Phước Sơn, Nxb: Phương Đông, 2006, tr. 112.

[9] Luật Ma-ha Tăng-kỳ còn cho phép nếu chướng duyên, nạn sự gần kề quá gấp, đại chúng không có thời gian tụng đọc giới bổn tóm lược thì có thể nói: “Bạch chư Đại đức, hôm nay là ngày rằm, Bố-tát, mỗi người nên giữ gìn thân thẩu ý thanh tịnh, cẩn thận chớ buông lung”, xong rồi có thể tự giải tán. Xem Luật học tinh yếu, HT. Thích Phước Sơn, Nxb: Phương Đông, 2006, tr. 113.

[10] Gởi ý nguyện, ước muốn nghĩa là gởi ý muốn của mình đến Tăng, tức là bày tỏ rằng mình sẽ chấp hành mọi quyết định của Tăng trong ngày Bố-tát; Thuyết tịnh là nhờ người trình lên Tăng rằng mình thanh tịnh, không phạm lỗi, có đủ tư cách pháp nhân là một thành viên của Tăng đoàn.

[11] Theo Luật học tinh yếu, người có thể giáo giới cho Ni phải đảm bảo có đủ mười tố chất (điều kiện) sau đây: i) Đủ 20 tuổi hạ; ii) Giới luật vẹn toàn; iii) Kiến thức rộng rãi; iv) Thông suốt hai bộ luật (Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni); v) Quyết đoán rành mạch các vấn đề liên quan đến giới luật; vi) Xuất thân trong gia đình nề nếp; vii) Dung nghi đoan chính; viii) Thuyết pháp giỏi; ix) Có khả năng thuyết pháp khiến mọi người hoan hỷ; x) Chưa từng phạm các giới trọng.

[12] Gởi ý nguyện, ước muốn nghĩa là gởi ý muốn của mình đến Tăng, tức là bày tỏ rằng mình sẽ chấp hành mọi quyết định của Tăng trong ngày Bố-tát; Thuyết tịnh là nhờ người trình lên Tăng rằng mình thanh tịnh, không phạm lỗi, có đủ tư cách pháp nhân là một thành viên của Tăng đoàn.

Tác giả: NCS. TKN. Thích Nữ Liên Liên

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phap-bo-tat-theo-tinh-than-luat-tang-pali-va-tu-phan-luat.html