Pháp cấm các cuộc tụ tập có hơn một nghìn người
Tối 8-3, Bộ trưởng Y tế Pháp cho biết, dịch bệnh Covid-19 tại nước này vẫn ở giai đoạn 2 và ưu tiên của Chính phủ là ngăn chặn đà lây lan, đồng thời thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Chính phủ Pháp cũng cấm các cuộc tụ tập có hơn 1.000 người.
Số người nhiễm virus corona ở Pháp đã vượt ngưỡng 1.000 trong ngày cuối tuần qua, tăng 177 ca so với số thống kê được công bố ngày 7-3. Số người tử vong cũng tăng từ 16 lên 19 người.
Do tình hình lây lan ở Pháp tăng rất nhanh trong mấy ngày qua, tối 7-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Pháp (CDSN). Mục đích là để đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp ứng phó bệnh dịch.
Trong ngày Quốc tế Phụ nữ hôm qua, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc tuần hành tại nhiều thành phố ở Pháp với mục đích đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng. Trước đó, Chính phủ đã cấm các cuộc tụ tập có hơn năm nghìn người trong không gian kín tới giữa tháng 4 và khuyến cáo về việc tránh tụ tập quá đông người để ngăn chặn đà lây lan của virus corona.
Phát biểu sau cuộc họp của CDNS, Bộ trường Y tế Pháp Olivier Véran cho biết Chính phủ đã quyết định cấm các cuộc tụ tập có hơn 1.000 người. Đây là biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh dịch, tuy nhiên chính quyền các vùng có thể xem xét để có thể không áp dụng lệnh cấm như vậy đối với các cuộc tụ tập "có lợi cho đất nước".
Ông Olivier Véran nói: Số người nhiễm ở Pháp đã tăng lên 1.126. Chính phủ Pháp vẫn quyết định duy trì giai đoạn 2 của bệnh dịch. Như vậy, mọi biện pháp tiếp tục tập trung vào việc ngăn chặn đà lây lan của Covid-19 trên lãnh thổ Pháp.
Bộ trưởng Y tế Pháp cũng cho biết, Chính phủ đã chuẩn bị các biện pháp cần thiết nếu bệnh dịch chuyển sang giai đoạn 3. Khi đó nhiệm vụ không còn là hạn chế đà lây lan mà là giảm thiểu hậu quả của bệnh dịch. Cách xử lý của Chính phủ Pháp hiện nay là áp dụng các biện pháp "tương xứng" để khống chế bệnh dịch tùy theo tình hình ở những "điểm nóng" vì một số khu vực có ít người nhiễm bệnh.
Đa số ca tử vong do nhiễm virus corona là những người cao tuổi và trong tình trạng sức khỏe kém. Vì vậy ưu tiên của Chính phủ và hệ thống y tế Pháp vẫn là áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho những người dễ bị tổn thương nhất.
Cũng trong tối 8-3, Cơ quan Y tế vùng Thủ đô Paris cho biết,có bốn nghị sĩ và hai nhân viên của Quốc hội Pháp nhiễm Covid-19. Khu vực này hiện có 243 người nhiễm, tăng 65 ca so với ngày 7-3. Ở Paris có 26 người nhiễm và các tỉnh chung quanh Thủ đô Paris đều có người nhiễm Covid-19.
Cùng với áp dụng các biện pháp và mọi phương tiện để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnhCovid-19, Chính phủ Pháp đã tăng cường ngân sách cho các bệnh viện đối phó bệnh dịch và tiến hành nghiên cứu phương pháp điều trị. Tờ l'Express trích lời bác sĩ Yazdan Yazdanpanah, Khoa Bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Bichat (Paris) cho biết, các cuộc thử nghiệm lâm sàng cách chữa trị bệnh Covid-19 có thể bắt đầu trong vài ngày tới. Theo đó, các thủ tục tiến hành đã có, chỉ chờ được cấp phép để xúc tiến ngay.
Hiện, Pháp vẫn là nước có số người nhiễm Covid-19 cao thứ hai ở châu Âu, sau Italy với 7.375 ca nhiễm và 366 người tử vong. Tiếp đến là Đức với 1.040 trường hợp nhiễm, tăng nhiều hơn Pháp trong 24 giờ qua (240 ca nhiễm mới). Italy vẫn là nước châu Âu có số người nhiễm mới rất cao từng ngày, tăng thêm 1.492 ca, nâng tổng số lên 7.375 chỉ sau Trung Quốc (80.703 ca).
Ngày 8-3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh phong tỏa toàn bộ vùng Lombardy cùng 14 tỉnh khác ở miền bắc Italy với dân số gần 16 triệu người nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 tại nước này. Các nước ở gần Italy vẫn chưa quyết định đóng cửa biên giới với Italy.
KHẢI HOÀN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường tú tại Pháp