Pháp cấm nhân viên chính phủ dùng TikTok

Pháp ngày 25/3 cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok, Twitter, Instagram và các ứng dụng khác trên điện thoại nghiệp vụ vì lo ngại về các biện pháp bảo mật dữ liệu không hiệu quả.

Ảnh minh họa. Getty Images.

Ảnh minh họa. Getty Images.

Bộ Chuyển đổi Khu vực Công và Dịch vụ Dân sự Pháp công bố trên Twitter rằng lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

“Để đảm bảo an ninh mạng cho các cơ quan hành chính và công chức của chúng tôi, chính phủ đã quyết định cấm các ứng dụng giải trí như TikTok trên điện thoại nghiệp vụ của công chức”, Bộ trưởng Stanislas Guerini cho biết.

Trong vài tuần qua, một số đối tác châu Âu và quốc tế của Pháp đã áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc cấm nhân viên chính quyền tải xuống và cài đặt hoặc sử dụng ứng dụng chia sẻ video TikTok.

Bộ trưởng Guerini cho biết các ứng dụng giải trí không đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu để triển khai trên thiết bị của nhân viên chính quyền.

Một loạt chính phủ và cơ quan chính quyền các nước đã cấm nhân viên sử dụng TikTok trong những tuần gần đây, bao gồm Nhà Trắng, Quốc hội Vương quốc Anh, Quốc hội New Zealand, chính phủ Canada, Ấn Độ, Pakistan…

Các nhà lập pháp và các quan chức an ninh quốc gia Mỹ đã nêu ra những lo ngại về các rủi ro bảo mật mà TikTok có thể gây ra. Các quan chức phương Tây cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng do ứng dụng thu thập.

Cuối tháng trước, Ủy ban và Hội đồng châu Âu đã cấm TikTok được cài đặt trong điện thoại của nhân viên vì lý do an ninh mạng.

Hôm 23/5, Giám đốc điều hành của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã bác bỏ những khẳng định rằng TikTok hoặc ByteDance là “công cụ” của chính phủ Trung Quốc, tái khẳng định rằng 60% ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu.

Bắc Kinh đã cáo buộc Washington truyền bá thông tin sai lệch và đàn áp TikTok.

Đầu tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Mỹ vẫn chưa đưa ra bằng chứng cho thấy TikTok đe dọa an ninh quốc gia của nước này và đang lấy cớ bảo mật dữ liệu để lạm dụng quyền lực nhằm trấn áp các công ty nước ngoài.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/phap-cam-nhan-vien-chinh-phu-dung-tiktok-i687823/