Pháp, Canada quyết không buông Trung Quốc về 2 vụ nóng

Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã để phản đối quyết định của Trung Quốc trừng phạt một số công dân châu Âu, cũng như việc chỉ trích nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, làm việc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris gọi nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, làm việc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp, là "kẻ táo tợn" vì ông này có quan điểm chỉ trích Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan. Vụ việc bắt đầu sau khi một nhóm thượng nghị sĩ Pháp thông báo kế hoạch thăm Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc cho rằng là một bộ phận không thể tách rời của họ. Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris gửi thư cho một trong số này và tuyên bố phản đối chuyến thăm.

Cách gọi của đại sứ quán Trung Quốc đối với ông Bondaz dẫn đến làn sóng chỉ trích từ các nhà nghiên cứu và nghị sĩ Pháp. Ngày 22-3, Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã vì những lời lẽ trên.

Trong một vụ khác, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ tiếp tục gây áp lực buộc Trung Quốc để trả tự do cho hai người Canada sau khi phiên tòa xét xử Michael Kovrig, một trong hai người bị giam giữ ở Trung Quốc với cáo buộc làm gián điệp. Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 22-3 rằng việc giam giữ tùy tiện Michael Kovrig và Michael Spavor từ phía Trung Quốc là "không thể chấp nhận được".

Đồng thời, ông Trudeau nhấn mạnh không có mối liên hệ nào giữa việc truy tố hai công dân Canada và các lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu, Mỹ, Anh và Canada vừa công bố áp đặt lên quan chức Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương.

Tòa án Trung cấp Số 2 Bắc Kinh xét xử cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig ngày 22-3, phiên tòa kéo dài gần 3 giờ song không đưa ra phán quyết cuối cùng. Sau khi bị từ chối cho tham dự phiên tòa, ông Jim Nickel, đại điện Đại sứ quán Canada tại Trung Quốc, ngày 22-3 bày tỏ quan ngại thủ tục xét xử không minh bạch.

Các quan chức tòa án Trung Quốc cho biết do xét xử vụ án liên quan đến an ninh quốc gia nên họ không cho phép bất cứ nhà ngoại giao nước ngoài nào được tham gia vào quá trình xét xử.

Cảnh sát đứng bên ngoài Tòa án Trung cấp Số 2 Bắc Kinh ngày 22-3. Ảnh: EPA-EFE

Cảnh sát đứng bên ngoài Tòa án Trung cấp Số 2 Bắc Kinh ngày 22-3. Ảnh: EPA-EFE

Phiên tòa xét xử Michael Kovrig diễn ra sau vài ngày Trung Quốc mở phiên tòa xét xử kín doanh nhân người Canada Michael Spavor. Tòa án ở TP Đan Đông cuối tuần trước thông báo sẽ chọn ngày công bố bản án của Michael Spavor. Và tòa án xét xử cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig cũng đưa ra thông báo tương tự.

Cả hai công dân Canada bị giới chức Trung Quốc bắt vào tháng12-2018, ngay sau khi Canada bắt giữ Phó chủ tịch Tập đoàn viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ vì bà Mạnh bị nghi lừa đảo các ngân hàng Mỹ.

Ông Michael Spavor (trái) và Michael Kovrig. Ảnh: AP

Ông Michael Spavor (trái) và Michael Kovrig. Ảnh: AP

Bắc Kinh khẳng định việc giam giữ hai công dân Canada đúng luật, đồng thời gọi vụ việc của bà Mạnh là "sự cố chính trị". Trung Quốc phủ nhận 2 vụ việc liên quan với nhau.

Thay vào đó, giới chức nước này cáo buộc ông Michael Kovrig đánh cắp thông tin và tình báo thông qua các mối liên lạc tại Trung Quốc từ năm 2017. Doanh nhân Michael Spavor bị cáo buộc là nguồn tin chính của cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig.

Cả hai bị truy tố vào tháng 6-2020, cáo buộc phạm tội đe dọa an ninh quốc gia. Canada và Mỹ nhiều lần yêu cầu Trung Quốc thả ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor. Vợ của Michael Kovrig - bà Vina Nadjibulla - cho rằng cả hai người gồm chồng bà và ông Michael Spavor có liên quan đến một cuộc tranh chấp địa chính trị và bị chính phủ Trung Quốc bắt giam là bất công.

Huệ Bình

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/phap-canada-quan-lay-khong-buong-trung-quoc-20210323081418506.htm