Pháp công nhận nhà nước Palestine, liệu có tạo ra hiệu ứng?
Tuyên bố chính thức công nhận Nhà nước Palestine của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không chỉ gây phản ứng dữ dội từ Israel và Mỹ, mà còn làm dấy lên kỳ vọng về sự thay đổi trong cách tiếp cận của phương Tây đối với tiến trình hòa bình Israel-Palestine, vốn đang bế tắc suốt nhiều thập kỷ qua.
Tại sao Pháp quyết định đơn phương công nhận Nhà nước Palestine?
Quyết định của Tổng thống Macron không xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Nó diễn ra trong bối cảnh chiến sự kéo dài giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza đang gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Hàng nghìn dân thường thiệt mạng, hệ thống y tế sụp đổ và nạn đói lan rộng. Làn sóng phẫn nộ từ dư luận quốc tế, trong đó có cả người dân Pháp, ngày càng gia tăng.

Người dân Palestine tập trung để nhận thực phẩm từ một bếp ăn từ thiện. Ảnh: Reuters.
Ông Jean-Marie Cras, một người dân Pháp cho biết “Thật ra vấn đề này đã tồn tại khá lâu. Tổng thống Macron trước đây vẫn chưa đưa ra lập trường rõ ràng. Giờ thì ông ấy đã hành động, dưới sức ép từ tiếng nói của rất nhiều người dân Pháp. Tôi hy vọng điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi, vì xét về khía cạnh nhân đạo, tình hình tại Gaza thực sự là một thảm họa".
Tháng 4/2025, khi đến thị trấn Al-Arish của Ai Cập, nằm gần biên giới Gaza, Tổng thống Macron được cho là đã "sững sờ" trước mức độ tàn phá và đau thương. Sau chuyến thăm này, ông bắt đầu nghiêng về việc hành động dứt khoát, thay vì tiếp tục giữ quan điểm trung lập như trước đó.
Ban đầu, Pháp tìm cách hợp tác với các đồng minh phương Tây trong Nhóm Các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) như Anh và Canada để đưa ra một tuyên bố công nhận tập thể, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi. Tuy nhiên, theo các nguồn tin ngoại giao, cả London và Ottawa đều lo ngại phản ứng tiêu cực từ Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, nên đã không tham gia.
Một nhà ngoại giao Pháp cho biết Paris nhận ra không thể chờ đợi sự đồng thuận nữa. Do đó, nước này quyết định đi trước. Trong bức thư gửi Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, ông Macron khẳng định Pháp sẽ chính thức ra tuyên bố công nhận tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 tới.
Phản ứng của các nước
Israel lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ, coi đây là “phần thưởng” dành cho Hamas - lực lượng đang kiểm soát Dải Gaza. Trước đó, Tel Aviv cũng từng vận động hành lang trong nhiều tháng nhằm ngăn chặn quyết định của Pháp. Theo một số nguồn tin, nước này từng cảnh báo sẽ hạn chế chia sẻ thông tin tình báo với Paris, cản trở các sáng kiến khu vực do Pháp dẫn dắt, và thậm chí ám chỉ khả năng sáp nhập thêm lãnh thổ ở Bờ Tây.
Mỹ, đồng minh của Israel, cũng không tán thành. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Những gì ông Macron nói thực sự không có ý nghĩa gì cả. Nó sẽ không thay đổi được điều gì. Tôi quý mến ông ấy, nhưng phát biểu về công nhận Nhà nước Palestine là không có trọng lượng".
Chính trường Pháp cũng không yên ả. Là nước có cộng đồng Hồi giáo và Do Thái lớn nhất châu Âu, Pháp đối diện với sức ép hai chiều. Một mặt là làn sóng phẫn nộ trước cuộc chiến Gaza, mặt khác là nỗi lo chia rẽ xã hội và mất ổn định nội bộ.
Ông Serge Dahan, Phó Chủ Tịch Hội Đồng đại diện Các tổ chức Do Thái tại Pháp chia sẻ: “Tổng thống Macron có chịu áp lực không? Tôi không biết. Nhưng ông ấy là người đưa ra quyết định, và ông ấy phải chịu trách nhiệm. Đây là một sáng kiến rất cá nhân, không phải lập trường chung của châu Âu, cũng không được Mỹ ủng hộ".
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng sự công nhận của Pháp dù mang tính biểu tượng, nhưng lại có giá trị chiến lược rõ rệt. Rym Momtaz, chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn Carnegie Europe, nhận định, Tổng thống Macron đang đóng vai trò chất xúc tác, nhằm thúc đẩy các cải cách trong nội bộ Palestine, cũng như kêu gọi các quốc gia Ả Rập tham gia vào nỗ lực ổn định khu vực và làm suy yếu Hamas. Tuy nhiên, cũng có ý kiến hoài nghi. Amjad Iraqi, nhà phân tích cấp cao tại tổ chức International Crisis Group, đặt câu hỏi: “Việc công nhận một nhà nước có ý nghĩa gì nếu không thể bảo vệ người dân của nhà nước đó khỏi bom đạn?”
Mặt khác, diễn biến tại Israel cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại. Gần đây, Quốc hội Israel đã thông qua một tuyên bố kêu gọi chính phủ áp dụng luật pháp Israel tại khu Bờ Tây, một bước đi bị nhiều người xem là dấu hiệu của kế hoạch sáp nhập trên thực tế. Điều này càng khiến quyết định của Pháp trở nên cấp thiết hơn với những ai muốn giữ hy vọng cho giải pháp hai nhà nước.
Đòn bẩy thay đổi động lực Trung Đông?
Quyết định của Pháp trong việc công nhận Nhà nước Palestine đang tạo ra làn sóng tranh luận sâu sắc tại châu Âu và trên trường quốc tế. Dù chưa chắc mang lại thay đổi tức thì cho người dân Gaza hay chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và Hamas, bước đi này được đánh giá là có thể định hình lại động lực địa chính trị tại khu vực Trung Đông, và xa hơn, là các tính toán chiến lược của những cường quốc toàn cầu.
Pháp trở thành nước đầu tiên trong Nhóm G7 gồm những nền kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất thế giới, công nhận Nhà nước Palestine. Điều này phá vỡ sự đồng thuận ngầm tồn tại nhiều năm trong giới lãnh đạo phương Tây: chỉ công nhận Palestine khi có một thỏa thuận hòa bình với Israel.
Sự đơn phương của Pháp gửi đi một thông điệp rõ ràng, nếu đàm phán hòa bình tiếp tục bế tắc, cộng đồng quốc tế không thể chờ mãi. Việc công nhận Palestine được đặt lên như một đòn bẩy, thay vì phần thưởng sau cùng.
Cho đến nay, chỉ có Trung Quốc và Nga là hai trong số các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công nhận Nhà nước Palestine. Khi Pháp gia nhập hàng ngũ này, áp lực tăng mạnh lên đối với các thành viên còn lại, đặc biệt là Mỹ, vốn vẫn từ chối công nhận. Điều này có thể dẫn đến sự phân hóa sâu sắc ngay trong nội bộ phương Tây, buộc các quốc gia như Anh, Đức phải xác định lại lập trường.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm khu điều trị cho bệnh nhân Palestine tại Bệnh viện El Arish, gần biên giới với Dải Gaza, ở Arish, Ai Cập ngày 8 tháng 4 năm 2025. Ảnh: Ludovic Marin/ Reuters.
Trong nhiều năm qua, xung đột Israel-Palestine bị lu mờ bởi các cuộc khủng hoảng lớn hơn như chiến sự Ukraine, cạnh tranh Mỹ-Trung hay hồ sơ hạt nhân Iran. Quyết định của Pháp kéo vấn đề Palestine trở lại trung tâm của diễn đàn ngoại giao quốc tế. Điều này có hai tác dụng rõ rệt, một là khơi lại sức ép với Israel về việc ngừng xây dựng khu định cư và khôi phục đàm phán hòa bình, hai là cho phép các nước Ả Rập như Ai Cập, Jordan, Maroc hay Saudi Arabia có thêm dư địa để hành động. Trong khi các chính phủ này lo ngại sự trỗi dậy của Hamas và bất ổn khu vực, họ cũng phải lắng nghe làn sóng phản đối từ công chúng ủng hộ Palestine. Một sự công nhận từ phương Tây có thể tạo điều kiện cho các nước này nối lại vai trò trung gian, đồng thời giảm áp lực trong nội bộ.
Ngoài ra, nếu được nối tiếp bằng các sáng kiến cụ thể như đề xuất hội nghị quốc tế, các điều kiện tái thiết Gaza hoặc định chế hóa quy chế Nhà nước Palestine tại Liên Hợp Quốc, thì động thái của Pháp có thể tạo ra một lộ trình chính trị mới, vượt qua mô hình đàm phán song phương vốn đã thất bại.
Do đó, theo giới quan sát, dù chưa rõ việc Pháp đơn phương công nhận Nhà nước Palestine có thúc đẩy được tiến trình hòa bình thực sự hay không, nhưng nó chắc chắn đang đặt lại vấn đề Palestine vào trung tâm nghị trình quốc tế, buộc các cường quốc khác phải suy nghĩ lại về vai trò của mình.
Ai sẽ nối gót theo Pháp?
Câu hỏi hiện nay là liệu các quốc gia phương Tây, vốn lâu nay vẫn né tránh chủ đề công nhận nhà nước Palestine, có nối bước Pháp, hay sẽ tiếp tục chần chừ trước sức ép từ Washington và Tel Aviv?
Trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, đã có 144 nước chính thức công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền. Trong nhóm này có những nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, cũng như phần lớn các quốc gia thuộc Nam bán cầu. Tại châu Âu, tuy chỉ một số ít trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) công nhận nhà nước Palestine, nhưng danh sách này đang mở rộng bao gồm Thụy Điển, CH Síp và gần đây là Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy.
Trên bình diện quốc tế, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 11/2012 đã từng bỏ phiếu nâng cấp quy chế của Palestine từ “quan sát viên” lên “quốc gia thành viên không chính thức”. Dù chưa có tư cách thành viên đầy đủ, nhưng động thái này được xem là sự công nhận trên thực tế đối với nhà nước Palestine và mở rộng thêm không gian pháp lý, chính trị cho họ trong hệ thống Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, đáp lại quyết định của Pháp, chính phủ Đức cho biết Berlin vẫn ủng hộ giải pháp hai nhà nước nhưng hiện tại sẽ không công nhận nhà nước Palestine, thay vào đó nhấn mạnh nhu cầu ngừng bắn ở Gaza, thả con tin và viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
Nhiều chính phủ châu Âu khác như Italy dù ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhưng cho rằng việc chính thức công nhận Nhà nước Palestine nên song hành với một giải pháp lâu dài để giải quyết cho cuộc xung đột ở Trung Đông.