Tờ South China Morning Post ngày 19-2 đưa tin Hải quân Pháp vừa điều 2 tàu chiến đến Thái Bình Dương trong sứ mệnh kéo dài 3 tháng, trong đó việc hiện diện trên biển Đông.
Các tàu chiến của Pháp sẽ đi vào biển Đông hai lần và tham gia cuộc tập trận hỗn hợp với quân đội Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5.-2021
Hạm trưởng Arnaud Tranchant, sĩ quan chỉ huy tàu Tonnerre, cho biết hải quân Pháp sẽ đóng vai trò củng cố quan hệ đối tác của nước này với các nước trong nhóm Bộ Tứ, gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ.
Trước đó vào năm 2015 và 2017, các tàu của Hải quân Pháp cũng từng đi qua biển Đông, nhưng giới quan sát cho rằng những động thái mới thể hiện việc nước này tăng cường sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Pháp là cường quốc châu Âu đầu tiên xây dựng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương năm 2018.
Ngoài Pháp, một quốc gia châu Âu khác là Anh cũng đang chuẩn bị triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới biển Đông.
Việc điều tàu đổ bộ tấn công hiện đại lớp Mistral tiếp tục thể hiện động thái cứng rắn của Pháp trong việc duy trì trật tự hàng hải, di chuyển một cách tự do thay vì để chúng rơi vào quyền kiểm soát của bất cứ quốc gia nào.
Sêu tàu đổ bộ trực thăng Mistral là một trong những chiến hạm mạnh nhất thế giới. Sức mạnh của chúng đến từ hệ thống điện tử, sàn tàu lớn có thể chứa cùng lúc nhiều trực thăng hoặc một số lượng cực lớn thủy quân lục chiến, ngoài ra khả năng chuyển đổi thành tàu sân bay nhanh chóng khi được trang bị máy bay F-35B.
Mistral được thiết kết để thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ tấn công, chỉ huy và cơ động lực lượng chớp nhoáng, cũng như hỗ trợ hậu cần, di tản nhân đạo, làm bệnh viện dã chiến và thực hiện các sứ mệnh tác chiến hải quân khác.
Với chiều dài 199 m; rộng 32 m; mớn nước 6,3 m; lượng giãn nước đầy tải 21.600 tấn, Mistral là chiến hạm lớn thứ hai của Hải quân Pháp sau tàu sân bay duy nhất của nước này.
Khoang đổ bộ của Mistral có diện tích 2.650 m2, có thể chuyên chở được 40 xe tăng AMX-56 Leclerc hoặc hàng trăm xe tải, xe bọc thép cỡ nhỏ và một số lượng quân lính lớn.
Trang bị của tàu là 16 trực thăng hạng nặng hoặc 35 trực thăng hạng nhẹ với 6 chiếc có thể hoạt động cùng lúc trên mặt boong.
Nếu được trang bị thêm một module dốc nhảy trượt, dài 15 - 20 m, Mistral có thể đảm nhiệm vai trò của tàu sân bay hạng nhẹ, đáp ứng được việc bố trí triển khai các máy bay cất hạ cánh thẳng đứng hoặc đường băng ngắn như Harrier và F-35B.
Hệ thống phòng vệ của Mistral gồm 2 tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn MBDA Simbad, 2 pháo phòng không hải quân Breda-Mauser cỡ 30 mm và 4 súng máy hạng nặng 12,7 mm.
Hiện Pháp vẫn đang tận dụng tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral để làm tàu chỉ huy và điều khiển các chiến hạm khác. Có được điều này là do Mistral có một trung tâm chỉ huy rộng tới 850 m2.
Thông tin từ các thiết bị thu nhận của tàu được tập trung vào hệ thống SENIT-9, từ đó sẽ phát lệnh ra các chiến hạm khác. Đây chính là cốt lõi của việc Nga muốn mua bằng được lớp tàu đổ bộ tấn công này.
Mistral được thiết kế với cửa đổ quân đặc biệt phía sau đuôi tàu. Từ đây các binh sĩ sẽ tiến vào bờ qua các xuồng cao tốc, xe bọc thép lội nước và thậm chí là các tàu đổ bộ đệm khí cỡ nhỏ hoặc xà lan.
Các tàu Mistral có thể vận chuyển tới 450 quân với các chiến dịch đường dài, với các chiến dịch ngắn hạn có thể tăng gấp đôi lên 900 quân.
Các đơn vị lính thủy đánh bộ và các xe quân sự có thể xuống tàu tại một cảng đặc biệt, hoặc sử dụng thuyền đổ bộ.
Tuy là tàu đổ bộ trực thăng, nhưng Mistral cũng được trang bị hệ thống phòng vệ gồm hai tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn MBDA Simbad.
Tổ hợp này được tích hợp hệ thống radar dẫn đường hồng ngoại với tầm hoạt động hơn 6km cung cấp khả năng phòng thủ trước máy bay và tên lửa hành trình đối hạm.
Hệ thống radar của tàu Mistral có thể phát hiện các mục tiêu tầm thấp và trung bình ở các khoảng cách tới 140km và các mục tiêu ở khoảng cách tới 180km ở chế độ cảnh giới không gian ba chiều tầm xa.
Trong chế độ tự vệ, tàu có thể phát hiện và theo dõi mối đe dọa bất kỳ trong vòng bán kính 60km. Với những năng lực như vậy tàu Mistral được coi là một trong số ít tàu đổ bộ tấn công mạnh nhất thế giới.
Sự nổi tiếng của Mistral khiến ngay cả Nga cũng đã đặt mua 2 chiến hạm này. Đây là hợp đồng đầu tiên mà Nga mua vũ khí lớn từ phương Tây, điều mà Liên Xô chưa từng làm trước đó, tuy nhiên sau đó thương vụ đổ bể và hai tàu này được bán cho Ai Cập.
Việt Hùng