Pháp: Đổ lỗi cho Anh về bế tắc hậu Brexit

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cho rằng, các cuộc đàm phán về mối quan hệ mới giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh thời kỳ hậu Brexit (Anh rời EU) rơi vào bế tắc là do lỗi của Anh. EU và Anh đang nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit vào ngày 31-12 tới... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cho rằng, các cuộc đàm phán về mối quan hệ mới giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh thời kỳ hậu Brexit (Anh rời EU) rơi vào bế tắc là do lỗi của Anh. EU và Anh đang nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit vào ngày 31-12 tới, song các cuộc đàm phán về mối quan hệ tương lai vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Pháp chỉ trích các cuộc đàm phán không đạt tiến triển là do thái độ “không khoan nhượng và phi thực tế” của Anh.

Xu-đăng: Ký thỏa thuận hòa bình

Chính phủ chia sẻ quyền lực Xu-đăng đã ký thỏa thuận hòa bình với năm nhóm phiến quân chính ở nước này tại Thủ đô Giu-ba. Đây được coi là bước đi quan trọng đối với các nhà lãnh đạo Xu-đăng trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài 17 năm. Chính phủ Xu-đăng đặt việc chấm dứt các cuộc xung đột là ưu tiên hàng đầu trong quá trình chuyển tiếp kéo dài 39 tháng. Thỏa thuận trên cho phép các nhóm phiến quân có đại diện chính trị, sáp nhập vào các lực lượng an ninh, hưởng các quyền sở hữu đất đai, kinh tế, cũng như tạo cơ hội để những người phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh hồi hương.

Ma-li: Đề xuất quá trình chuyển tiếp hai năm

Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) ở Ma-li đã có buổi làm việc với các sĩ quan quân đội thuộc nhóm tự xưng Ủy ban quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) hiện nắm quyền lãnh đạo sau cuộc đảo chính ngày 18-8 vừa qua. M5-RFP đã đề xuất thời hạn chuyển tiếp dân sự kéo dài từ 18 đến 24 tháng, đồng thời đề nghị thành lập các cơ quan chuyển tiếp do dân sự lãnh đạo và một ủy ban giám sát hỗn hợp với đa số đại diện là dân sự chịu trách nhiệm theo dõi cải cách quy trình bầu cử. Vấn đề chuyển tiếp ở Ma-li hiện là trọng tâm của các cuộc đàm phán giữa lực lượng quân đội làm đảo chính, phe đối lập và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS)./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202009/tin-van-quoc-te-phap-do-loi-cho-anh-ve-be-tac-hau-brexit-2539495/