Pháp đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính trị

Liên quan đến chính trường Pháp, việc liên đảng ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron không giành được đa số tuyệt đối tại Quốc hội trong khi liên minh cánh tả và đặc biệt là đảng cực hữu 'Tập hợp quốc gia' giành số phiếu cao lịch sử đang có nguy cơ đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng chính trị lớn.

Tại thị trấn Meaux – nơi được mệnh danh là thành trì bảo thủ của Pháp, nhiều cử tri đã quyết định bỏ phiếu cho phe cực hữu trong bầu cử Quốc hội vừa qua, để bày tỏ sự không hài lòng với cách điều hành đất nước hiện nay.

Người dân Pháp: "Tôi đã bỏ phiếu cho (nhà lãnh đạo cực hữu) Marine Le Pen trong nhiều năm. Tôi sống ở Meaux và chúng tôi đã chán ngán tình cảnh hiện nay. Chúng tôi muốn có sự thay đổi.”

Theo giới phân tích, cuộc bầu cử vừa qua là một thất bại lớn đối với Tổng thống Macron, người đã tái đắc cử vào tháng 4 nhưng lần này không giữ được đa số tuyệt đối trong quốc hội. Trong nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của mình, ông mong muốn hội nhập sâu hơn vào Liên minh Châu Âu, nâng tuổi nghỉ hưu và hồi sinh cho ngành công nghiệp hạt nhân của Pháp.

Người dân Pháp: “Không, đây không phải là kết quả mà tôi mong đợi, nhưng tôi khá ngạc nhiên khi thấy sự thay đổi chính trị không đi đúng hướng này. Thành thật mà nói, đó không phải là điều đáng để ăn mừng.”

Trong cuộc bầu cử vừa qua, liên minh của Tổng thống Macron sẽ chỉ giành được 245/577 ghế, không đủ đa số tuyệt đối, đồng thời cũng sẽ trở thành liên minh ủng hộ Tổng thống có số ghế ít nhất trong lịch sử nền Cộng hòa thứ V nước Pháp. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử này cũng đã đưa nền chính trị Pháp vào một cục diện chưa có tiền lệ kể từ năm 1958, đó là không có một đa số tại Quốc hội và trong 10 nhóm đảng hiện diện tại Quốc hội Pháp, có đến 7 nhóm đảng đứng về phía đối lập với Tổng thống và 3 trong số đó có trên 58 nghị sĩ, tức đủ điều kiện để đưa ra các yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ Pháp bất cứ khi nào. Ngoài ra, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp 2022 cũng chứng kiến những chi tiết đáng chú ý khác, như lần đầu tiên đương kim Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm, ông Richard Ferrand, thất cử. Tất cả những điều này đang có nguy cơ đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng chính trị lớn.

Thực hiện : Đinh Giang Thu Ngoan

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phap-doi-mat-voi-nguy-co-khung-hoang-chinh-tri