Pháp: Đối thoại toàn cầu về áp thuế hãng công nghệ lớn rơi vào bế tắc
Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire xác nhận do sự phản đối của một số nước, trong đó có Mỹ, Saudi Arabia và Ấn Độ, các cuộc thảo luận không thể tiến triển và cơ hội thành công đang trở nên mỏng manh.
Ngày 20/2, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các cuộc thảo luận quốc tế nhằm ngăn các hãng công nghệ lớn trên thế giới gian lận thuế đã gặp bế tắc do sự phản đối của một số quốc gia.
Nội dung các cuộc thảo luận tập trung vào việc áp thuế các công ty đa quốc gia tại những nơi mà họ thu lợi nhuận nhằm hạn chế việc các doanh nghiệp này né thuế.
Các cuộc thảo luận này diễn ra trước thềm hội nghị Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ấn Độ.
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Le Maire xác nhận do sự phản đối của một số nước, trong đó có Mỹ, Saudi Arabia và Ấn Độ, các cuộc thảo luận đã không thể tiến triển và cơ hội thành công đang trở nên mỏng manh.
Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh Pháp luôn cho rằng nếu các nước G20 không thể đạt được đồng thuận về vấn đề này, cần có một giải pháp thay thế cho khu vực châu Âu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang đẩy mạnh các cuộc thảo luận về vấn đề áp thuế, với mục tiêu chính là các tập đoàn kỹ thuật số quy mô lớn.
Bộ trưởng Le Maire nêu rõ trong các cuộc thảo luận do OECD dẫn dắt, một thỏa thuận riêng về việc áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15% đã đạt được nhiều thành công hơn và dự kiến sẽ được thực thi trong những tháng tới.
Thuế tối thiểu toàn cầu chỉ là một phần trong thỏa thuận cải cách thuế với tên gọi "Pillar Tow" do OECD dẫn dắt thảo luận.
Trụ cột thứ nhất, liên quan việc đánh thuế các công ty tại nơi doanh nghiệp có hoạt động sinh lời nhằm hạn chế gian lận thuế, trước tiên là nhắm tới các công ty công nghệ lớn. Phần này vẫn đang cần thảo luận thêm trước khi tiến đến bản hoàn thiện.
Tháng trước, OECD ước tính biện pháp áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ giúp tăng 220 tỷ USD nguồn thu thường niên cho các chính phủ.
Tổ chức này cho rằng nguồn thu tăng thêm nói trên tương đương 9% nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu. Mức tăng này cao hơn đáng kể so với mức ước tính 150 tỷ được OECD đưa ra trước đó về việc áp thuế toàn cầu tối thiểu 15%./.