Pháp đưa năng lượng hạt nhân trở lại châu Âu: 'Ngả mũ' với biệt tài của Paris

Mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ không ít quốc gia thành viên EU, đặc biệt là 'đầu tàu' Đức, nhưng bằng tài ngoại giao khéo léo, chuyên nghiệp, Paris lần lượt đạt những dấu mốc quan trọng trong hành trình đưa năng lượng hạt nhân trở lại châu Âu.

Hơi nước bốc lên từ nhà máy điện hạt nhân Electricite de France (EDF) ở Pháp. (Nguồn: Reuters)

Hơi nước bốc lên từ nhà máy điện hạt nhân Electricite de France (EDF) ở Pháp. (Nguồn: Reuters)

Tương lai dài hạn của năng lượng

Mới đây, 11 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) do Pháp đứng đầu đã tuyên bố tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự để phát triển "các dự án mới", bất chấp sự phản đối của Đức.

Giải mã về vai trò của Paris trong tiến trình vận động cho sự quay trở lại của năng lượng hạt nhân ở châu Âu, tạp chí La Tribune (Pháp) cho biết, trong những tháng gần đây, nước này đã "gieo mầm" một cách khéo léo để có được một liên minh như vậy, thông qua vận động hành lang ở hậu trường và các thỏa thuận đặc biệt.

Tình huống này không phải là lần đầu. Vào cuối những năm 1950, trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kênh đào Suez và giá dầu tăng cao, Pháp đã thúc đẩy hợp tác năng lượng hạt nhân ở Lục địa già nhằm đảm bảo khả năng "tự cung, tự cấp".

Nhờ đó, Hiệp ước Euratom nổi tiếng đã ra đời năm 1957, chấp nhận việc tập trung các nguồn lực để phát triển công nghệ này ở các quốc gia thành viên.

Hơn 60 năm sau, không khí sôi động trở lại. Với lý do đảm bảo "an ninh nguồn cung" cũng như "đạt được các mục tiêu khí hậu", Pháp đang chuẩn bị cho việc quay trở lại của hạt nhân dân sự ở châu Âu.

Nước này luôn tích cực tìm kiếm đồng minh trong 27 quốc gia EU để tạo đối trọng trong các cuộc đàm phán với các nước láng giềng không ủng hộ cho nguồn điện carbon thấp này, trong đó đứng đầu là Đức và Tây Ban Nha.

Vừa qua, bên lề cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng các nước EU ngày 28/2 tại Stockholm (Thụy Điển), Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher đã triệu tập một cuộc họp về vấn đề này.

Kết quả không phải chờ đợi lâu: Pháp đã có được sự ủng hộ của 10 quốc gia (Bulgaria, Croatia, Czech, Hungary, Phần Lan, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia). Các nước này cam kết sẽ "hỗ trợ các dự án hạt nhân mới được phát triển dựa trên công nghệ tiên tiến và các bài học kinh nghiệm rút ra từ hoạt động của các nhà máy điện hiện có".

Hành trình "gieo mầm"

Phải thừa nhận trong những tháng vừa qua, Pháp đã rất khôn khéo "gieo mầm" để đạt được những thành quả trên. Ở bình diện quốc gia, chính phủ đã thông báo từ tháng 2/2022 về việc khởi động lại các hoạt động hạt nhân trên lãnh thổ, thông qua việc "kéo dài lâu nhất có thể" hoạt động của các lò phản ứng hiện có và xây dựng các lò phản ứng mới.

Trong khu vực EU, đại diện của Pháp ở Brussels cũng đã rất tích cực tiến hành vận động hành lang với mục đích cụ thể: Đạt được sự công nhận năng lượng hạt nhân là dạng năng lượng carbon thấp, nguồn năng lượng "bền vững", từ đó bảo đảm một tương lai cho nguồn năng lượng này cũng như các nguồn tài trợ.

Các liên minh đầu tiên do Pháp dẫn dắt trên Lục địa già đã hình thành từ vài năm nay, bằng cách gửi các bức thư lên Ủy ban châu Âu (EC).

Hành động này nhằm đưa hạt nhân dân sự vào danh sách "phân loại xanh" của EU, cái được cho là để thu hút vốn cho các hoạt động vì mục tiêu bền vững.

Vào cuối tháng 3/2021, các nhà lãnh đạo của 7 quốc gia (Czech, Pháp, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia) đã gửi một lá thư tới cơ quan điều hành tại Brussels, với "lời kêu gọi khẩn cấp nhằm đảm bảo sân chơi bình đẳng cho năng lượng hạt nhân ở EU, không loại nó ra khỏi các chính sách và lợi ích về khí hậu và năng lượng".

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Áo, cuối cùng họ đã thắng khi văn kiện được thông qua vào giữa năm 2022, trước sự thất vọng của các nhóm chống hạt nhân.

Tương tự, gần đây nhất, tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân trong việc sản xuất hydro "xanh" đã được đề cập.

Vào đầu tháng 2/2023, 9 quốc gia thành viên (gồm 7 nước nêu trên, thêm Bulgaria và Croatia) lại một lần nữa gửi thư tới EC, kêu gọi đi theo hướng này. Lần này vẫn là Berlin phản đối nhưng lời kêu gọi đã được chấp thuận.

Ngày 9/2, Ủy ban Năng lượng của Nghị viện châu Âu đã chính thức công nhận hydro được sản xuất từ điện hạt nhân là "năng lượng carbon thấp". Đây là một thắng lợi rất quan trọng.

Ngay ngày hôm sau, EC, tuy vẫn còn do dự, nhưng đã chấp nhận một ngoại lệ cho năng lượng hạt nhân trong sản xuất hydro được dán nhãn là "năng lượng tái tạo", sau nhiều tháng đấu tranh căng thẳng ở hậu trường.

Trung lập cũng phải "gật gù"

Tuyên bố chung vừa qua được đưa ra cho thấy liên minh do Pháp vận động hình thành từ nhiều tháng qua đang nhận được sự ủng hộ. Các nhà lãnh đạo Hà Lan, vào cuối năm 2022, đã công bố ý định xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân mới.

Phần Lan cũng hoàn toàn ủng hộ nguồn năng lượng này và đã tham gia vào liên minh nói trên. Thụy Điển chưa bày tỏ thái độ, mặc dù nước này có ý định khởi động lại chương trình hạt nhân. Lý do là nước này buộc phải giữ quan điểm "trung lập" trong 6 tháng làm Chủ tịch Hội đồng EU.

Nhưng trên thực tế, từ đầu tháng 1, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson thậm chí đã mở đường cho việc hợp tác với Pháp để xây dựng 2 lò phản ứng tiếp theo.

Quan điểm của Italy hiện cũng đang được đặt dấu hỏi. Trang tin điện tử Euractiv thì tuyên bố, Rome cũng bắt đầu tham gia liên minh này. Tuy nhiên, Bộ Môi trường và An ninh năng lượng Italy đã phủ nhận thông tin.

Chắc chắn chủ đề này sẽ tiếp tục căng thẳng vì vấp phải sự phản đối của Đức, Áo, Luxembourg và Tây Ban Nha, những nước đã tái khẳng định ngày 28/2 tại Stockholm về sự phản đối của họ đối với việc năng lượng hạt nhân quay trở lại châu Âu.

Liệu EU có nguy cơ bị chia thành hai khối đối lập nhau về vấn đề chuyển đổi năng lượng trong khu vực? Trong những thời điểm không chắc chắn như thế này, sự thống nhất của EU có vẻ như đang bị đe dọa.

Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher nhận định: "Năng lượng hạt nhân hiện đang chiếm 25% sản lượng điện ở EU và thải ra ít khí thải carbon hơn so với điện gió và điện Mặt trời".

Bà Pannier-Runacher hy vọng mở rộng phạm vi của Tuyên bố chung với sự tham gia của một số quốc gia vùng Baltic, Italy hoặc thậm chí là Bỉ. Tuyên bố chung cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng hydro tái tạo trong công nghiệp lên 42% vào năm 2030, và 60% vào năm 2035.

Sáng kiến này mang tính chính trị rất lớn khi Pháp đấu tranh chống lại Đức và Tây Ban Nha để hydro carbon thấp (sản xuất từ điện hạt nhân) được đặt ngang hàng với hydro tái tạo (sản xuất từ điện Mặt trời, điện gió hoặc thủy điện) trong Chỉ thị của châu Âu về năng lượng tái tạo RED3 đang được đàm phán tại Brussels.

Để Chỉ thị này được thông qua, dự kiến vào ngày 29/3 tới, Paris kêu gọi sự ủng hộ của các bên vì kết luận về RED3 phải dựa trên một sự đồng thuận chung.

(theo La Tribune)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phap-dua-nang-luong-hat-nhan-tro-lai-chau-au-nga-mu-voi-biet-tai-cua-paris-219042.html