Pháp đưa ra định hướng cải cách mới khi đảm nhận Chủ tịch luân phiên của EU

Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh sẽ làm cho Liên minh châu Âu (EU) trở nên hùng mạnh hơn khi Pháp chuẩn bị đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU.

Định hướng chiến lược cải cách EU

Từ ngày 1/1/2022, Pháp sẽ chính thức trở thành quốc gia đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên EU kéo dài trong 6 tháng tới do Hội đồng châu Âu chỉ định.

Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AP

Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AP

Trong cuộc họp báo ngày 9/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh đến các ưu tiến của Pháp nhằm giải quyết các vấn đề chống nhập cư, tăng quyền tự chủ chiến lược, thúc đẩy phục hồi kinh tế, tăng cường quan hệ với châu Phi và giải quyết các bất đồng với nước Anh trong 6 tháng đầu năm 2022 khi nước này sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU).

"Sự phối hợp giữa nhiều quốc gia sẽ mang lại sức mạnh và niềm tự hào cho chúng ta. Và tinh thần đoàn kết trên khắp khối là không thể thiếu. Chúng tôi muốn có một châu Âu hùng mạnh trên thế giới, hoàn toàn có chủ quyền, tự do lựa chọn và làm chủ vận mệnh", Tổng thống Macron nói.

Tổng thống Macron khẳng định, việc Pháp đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên EU sẽ thúc đẩy "mô hình tăng trưởng của châu Âu", giúp tạo ra của cải và việc làm đồng thời duy trì các tiêu chuẩn cao về xã hội và khí hậu.

Theo AP, Tổng thống Macron đã thông báo chuỗi hoạt động của hội nghị thượng đỉnh trong nửa đầu năm tới về các chính sách quốc phòng của EU và mối quan hệ của khối với châu Phi và Tây Balkan.

"Châu Âu đang đối mặt với các thách thức lớn, từ biến đổi khí hậu đến các vấn đề di cư liên quan từ một số quốc gia cũng như các vấn đề gây mất ổn định ở khu vực lân cận của EU", Tổng thống Macron cho biết.

Trong những tháng gần đây, EU đã cáo buộc Belarus khuyến khích người xin tị nạn vượt biên sang các nước láng giềng của EU là Ba Lan, Lithuania và Latvia.

Tổng thống Macron cho biết ông sẽ tham gia các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo khác của EU nhằm tăng cường khả năng kiểm soát biên giới. Ông Macron hiện vẫn chưa chính thức tuyên bố về việc có hay không tham gia tái tranh cử trong bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, ông lưu ý lịch trình cho nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Pháp sẽ tập trung vào giai đoạn hậu Brexit và khẳng định ông cam kết sẽ tiếp tục các nhiệm vụ của châu Âu cho đến khi diễn ra bầu cử Pháp.

Nhiệm vụ cụ thể

Việc đảm nhận vị trí quyền chủ tịch EU của Pháp có thể tạo nền tảng cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Macron.

Tổng thống Macron có thể sử dụng quyền Chủ tịch luân phiên của EU gia tăng ảnh hưởng với quyết định cải cách mới trong khối. Ông Macron cũng thúc đẩy tầm nhìn về "quyền tự trị chiến lược" của EU, tăng cường đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc và hướng tới nâng cao vị thế của EU trên cơ sở bình đẳng hơn với Mỹ.

Đáng chú ý, ông Macron đang thúc đẩy "quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn", góp phần vào an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu đồng thời tăng cường hỗ trợ cho NATO.

Dự kiến, một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế sẽ được tổ chức vào đầu tháng 3/2022, đề cập nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch và định hình mô hình tăng trưởng mới cho châu Âu và bảo vệ nguồn đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi sinh thái.

Mặt khác, mục tiêu khí hậu trong "thỏa thuận Xanh châu Âu" bao gồm điều chỉnh thuế carbon trong khối, đàm phán về một công cụ chống nạn phá rừng với nội dung cấm nhập khẩu các sản phẩm như đậu nành, thịt bò, cà phê, ca cao hay dầu cọ… sẽ là chủ đề ưu tiên trong thời gian tới. Pháp cũng định hướng sẽ nỗ lực xây dựng một mức lương tối thiểu chung trong châu Âu và quy định về tỷ lệ giới tính trong cơ cấu lãnh đạo doanh nghiệp trước tháng 6/2022.

Về đối ngoại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhắc đến việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Âu – Phi vào tháng 2/2022 tại Brussels, Bỉ nhằm thúc đẩy một “thỏa thuận mới” về an ninh và năng lượng. Các vấn đề di cư cũng sẽ tiếp tục được giải quyết trong năm tới.

“Các ưu tiên tiếp theo là thúc đẩy chính sách quốc phòng chung đối với EU. Châu Âu cần phải xác định rõ những lợi ích chung và chia sẻ chiến lược chung trước thế giới đầy biến đổi. Do đó, Sách trắng châu Âu về an ninh và quốc phòng cũng nêu ra các nguy cơ hiện nay đồng thời xác định các mục tiêu, định hướng và tham vọng của châu Âu trong thời gian tới”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh.

Là một tổng thống Pháp, ông Macron có thể tiếp tục tác động đến quyết định trên khắp khối, tuy nhiên quy trình ra quyết định sẽ phức tạp hơn cũng như đòi hỏi sự đồng thuận của khối nhằm tạo ra một số hành động cụ thể trước thềm bầu cử tổng thống Pháp vào tháng Tư năm sau.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho biết, Tổng thống Macron luôn là người dẫn đầu trong các cuộc đua./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phap-dua-ra-dinh-huong-cai-cach-moi-khi-dam-nhan-chu-tich-luan-phien-cua-eu-20211210114348841.htm