Pháp gỡ bỏ lá chắn thuế năng lượng
Vào hôm 18/7, Chính phủ Pháp đã công bố quyết định tăng giá điện thêm 10% kể từ ngày 1/8. Đây là một dấu hiệu cho thấy, lá chắn thuế được áp dụng từ hai mùa đông qua, nhằm giúp xoa dịu hóa đơn năng lượng của người Pháp, đang dần kết thúc.
Mức tăng này sẽ được áp dụng cho những đối tượng khách hàng "được lắp công tơ điện sản xuất công suất lên đến 36 kVA", tức là những hộ gia đình, thợ thủ công, doanh nghiệp nhỏ; những công ty lớn không được hưởng lợi từ lá chắn thuế.
Vào tháng 2 vừa qua, Pháp cũng đã tăng giá điện thêm 15%. Trước đó, vào tháng 2/2022, giá điện cũng đã tăng 4%. Như vậy, tính từ năm 2021, biểu giá điện sau điều chỉnh (giá TRV) - hiện áp dụng cho 23 triệu khách hàng tại Pháp, đã tăng tổng cộng 31%.
"Trước khi tăng 10%, hóa đơn điện rơi vào khoảng 1.640 euro/năm. Sau điều chỉnh, tiền hóa đơn sẽ là 1.800 euro" đối với một người có nhu cầu sử dụng máy sưởi điện với mức tiêu thụ 7 MWh/năm. Như vậy, theo tính toán của chính phủ, giá điện có mức tăng bình quân là 160 euro.
Ngoài ra, theo Chính phủ Pháp: "Từ ngày 1/8, lá chắn thuế sẽ tiếp tục bảo vệ người dân Pháp, với mức hỗ trợ lên đến hơn 1/3 hóa đơn điện của mỗi người, tức là 37%. Sắp tới, mức hỗ trợ sẽ là 43%”. Chính phủ Pháp cũng khẳng định: Pháp vẫn tiếp tục là một trong những nước có biểu giá điện thấp nhất ở châu Âu.
Trong khi đó, Ủy ban Điều tiết Năng lượng (CRE) đã khuyến nghị mức tăng 74,5% (bao gồm cả thuế) để đối phó với tình trạng chi phí năng lượng leo thang, nhưng Chính phủ Pháp đã quyết định giới hạn mức tăng ở 10%.
Theo ước tính của CRE, nếu không có lá chắn thuế, giá điện có thể tăng 35% vào năm 2022 và 100% vào năm 2023.
Cũng theo CRE, tính đến ngày 31/12/2022, đã có khoảng 21,6 triệu khách hàng dân cư (trong số 34 triệu) đăng ký sử dụng biểu giá điện sau điều chỉnh (giá TRV), còn số lượng khách hàng nhỏ không thuộc diện hộ gia đình là 1,5 triệu.
Lá chắn thuế
Quyết định tăng giá điện không có gì bất ngờ. Trên thực tế, từ tháng 4/2023, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã tuyên bố ý định chấm dứt hiệu lực của lá chắn thuế đối với giá điện.
Đó là một chính sách do cựu Thủ tướng Jean Castex công bố vào mùa thu năm 2021, nhằm mục đích chống lạm phát giá năng lượng.
Theo ông Gabriel Attal - Bộ trưởng Bộ Hành động công và Kế toán Pháp: "Dù đang cần tiết kiệm tiền, chúng ta nhất định phải thoát ra khỏi những cơ chế đặc thù mà chúng ta dùng để đối phó với thời kỳ khủng hoảng lạm phát. Điều đó có nghĩa là, chúng ta phải chấm dứt việc áp dụng lá chắn thuế lên giá năng lượng" vào năm 2024.
Tại châu Âu, giá điện phụ thuộc phần lớn vào giá khí đốt tự nhiên. Thế nhưng, giá tham chiếu của khí đốt tại châu Âu đã nhảy vọt từ mức dưới 20 euro/MWh lên hơn 300 euro/MWh vào thời điểm mùa hè năm 2022. Sau đó, giá khí đốt lại giảm xuống chỉ còn khoảng 25 euro/MWh vào thời điểm hiện tại.
Vào tối 17/7, chính phủ Pháp đã họp với Hội đồng Năng lượng Cấp cao (CSE) để thỏa luận về biểu giá TRV cho điện năng, lấy ý kiến về đợt tăng giá tiếp theo.
Biểu giá điện được điều chỉnh 2 lần một năm, vào tháng 8 và tháng 2. Do đó, lần tăng dự kiến tiếp theo sẽ rơi vào tháng 2/2024.
Trợ cấp năng lượng đòi hỏi chi phí rất tốn kém. Theo ước tính của chính phủ Pháp vào cuối năm 2022, nhà nước đã chi 110 tỷ euro trong giai đoạn 2021 - 2023.
Theo Pháp, quyết định giảm trợ cấp điện và khí đốt sẽ giúp nhà nước tiết kiệm ngân sách gần 14 tỷ euro trong năm 2024. Khoản tiết kiệm này được dùng để hỗ trợ cho những công ty tiêu thụ nhiều năng lượng.