Pháp: Lòng tin suy giảm, EU khó tiếp tục đàm phán FTA với Australia

Trả lời tờ Politico, Bộ trưởng các vấn đề EU của Pháp Clement Beaune cho biết, Liên minh châu Âu (EU) khó có thể tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Australia, vì lòng tin đã bị suy giảm sau khi Canberra rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm.

Ông Clement Beaune nói: “Giữ lời là một điều kiện tin cậy giữa các nền dân chủ và đồng minh. Vì vậy, không thể tưởng tượng được việc tiến tới các cuộc đàm phán thương mại như thể không có gì xảy ra với một quốc gia mà chúng ta không còn tin tưởng”.

Về lý thuyết, Ủy ban châu Âu có quyền đơn phương tiến hành các cuộc đàm phán thương mại thay mặt cho 27 quốc gia thành viên EU, nhưng trên thực tế khó có thể làm như vậy với "sự phản đối thẳng thừng từ Pháp".

Bộ trưởng Các vấn đề EU của Pháp Clement Beaune. (Nguồn: AP)

Bộ trưởng Các vấn đề EU của Pháp Clement Beaune. (Nguồn: AP)

Politico lưu ý rằng, những lời chỉ trích từ Paris khó có thể làm hài lòng Thụy Điển, Ireland hoặc Hà Lan - các quốc gia EU có nhiều quy tắc thương mại tự do hơn.

Ví dụ, Bộ trưởng Phát triển Thương mại Ireland Robert Troy nói, ông muốn thấy tiến triển trong các cuộc đàm phán với Australia và thỏa thuận với quốc gia này sẽ "rất có lợi".

Người đứng đầu ủy ban của Nghị viện châu Âu về thương mại quốc tế Bernd Lange thừa nhận, hiệp định này đang ở trong một tình huống khó khăn và hành động của Australia đã ảnh hưởng đến lợi ích của Đức: đối tác an ninh ba bên Australia-Mỹ-Anh (AUKUS) mới cũng ảnh hưởng đến công ty Atlas Elektronik của Đức, một phần của công ty đóng tàu ThyssenKrupp.

Ông Lange nói: "Sự sẵn sàng thỏa hiệp của phía châu Âu chắc chắn đã giảm đi... Ngoài việc tập trung vào chính sách an ninh của Australia, thỏa thuận của Mỹ cũng gửi tín hiệu về chính sách công nghiệp chống lại EU. Hợp tác trong lĩnh vực chính sách công nghiệp và chuyển giao công nghệ, vốn là một phần trong chiến lược của EU ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thậm chí còn trở nên phức tạp hơn".

Theo ông, câu trả lời cho điều này phải là "mở rộng quyền tự chủ chiến lược rộng mở của EU và xác định lợi ích của chính mình trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh".

(theo Sputnik)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phap-long-tin-suy-giam-eu-kho-tiep-tuc-dam-phan-fta-voi-australia-159137.html