Pháp luật quy định như thế nào về xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm quy định về nhập ngũ trong lĩnh vực quốc phòng?
Bạn đọc Trịnh Văn Hanh ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm quy định về nhập ngũ trong lĩnh vực quốc phòng?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP ngày 6-6-2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều này.
* Bạn đọc Nguyễn Thị Mây ở xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết quy trình cấp lại giấy chứng nhận thương binh đối với thương binh đang tại ngũ, công tác trong quân đội?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 22 Thông tư số 55/2022/TT-BQP ngày 27-7-2022 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Cụ thể như sau:
1. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cấp trung đoàn và tương đương trở lên, trong thời gian 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn của cá nhân, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận và có văn bản đề nghị theo phân cấp (cấp sư đoàn và tương đương trong thời gian 3 ngày), gửi đến cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ nơi quản lý hồ sơ thương binh.
2. Cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ nơi quản lý hồ sơ thương binh, trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ, báo cáo tư lệnh hoặc chính ủy quân khu cấp lại giấy chứng nhận thương binh đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của quân khu, chuyển về cơ quan, đơn vị đề nghị để cấp cho đối tượng; các trường hợp còn lại có văn bản kèm theo hồ sơ thương binh đề nghị Cục Chính sách.
3. Cục Chính sách trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm kiểm tra; Cục trưởng Cục Chính sách cấp lại giấy chứng nhận thương binh; chuyển giấy chứng nhận thương binh và hồ sơ về cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ để quản lý và thực hiện.