Pháp luật TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

'Những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, dòng họ; giữa các hộ dân trong bản… đến nay, hầu hết được các thành viên trong tổ hòa giải giải quyết êm xuôi 'có lý, có tình'. Nhờ đó, hạn chế đơn thư vượt cấp, Nhân dân cùng chung sức, đồng lòng phát triển kinh tế, xây dựng thôn, bản văn hóa' - đó là lời chia sẻ của đồng chí Đèo Văn Vĩnh, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Phong Thổ.

Thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ là một trong những đơn vị điển hình làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Có mặt tại nhà văn hóa của thôn, chúng tôi thấy các thành viên tổ hòa giải đang bàn luận, nói chuyện sôi nổi về kết quả vụ mâu thuẫn nhỏ vừa xảy ra ở thôn. Câu chuyện được bắt đầu bằng cây ăn quả mọc bên đất gia đình này nhưng khi lớn thân uốn mình vươn sang đất nhà khác. Do một chút hiểu lầm giữa hai gia đình mà cây ăn quả trở thành tâm điểm mâu thuẫn.

Tổ hòa giải thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) thường xuyên đến các hộ nắm bắt tâm tư, hàn gắn những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, hàng xóm; vận động xây dựng gia đình văn hóa.

Tổ hòa giải thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) thường xuyên đến các hộ nắm bắt tâm tư, hàn gắn những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, hàng xóm; vận động xây dựng gia đình văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Đại - Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Thống Nhất cho biết: Khi nhận được tin, chúng tôi đến từng gia đình nói chuyện để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn. Sau đó, giải thích rõ cho 2 bên gia đình cùng hiểu và giảng hòa với nhau. Còn cây ăn quả, để không vướng sang đất nhà bên cạnh thì chặt phần cành vươn sang.

Được biết, thôn Thống Nhất được sáp nhập từ 2 thôn: Thẩm Bú và Vàng Khon vào năm 2019. Thôn hiện có 209 hộ dân, chủ yếu người Thái, Kinh sinh sống. Mỗi năm, trong thôn chỉ xảy ra 1 - 2 vụ mâu thuẫn nhỏ liên quan đến hôn nhân gia đình; phân chia tài sản; tranh chấp đất đai. Để hòa giải thành công các vụ mâu thuẫn đó chính là làm tốt công tác dân vận. Muốn làm được điều này, trước tiên cán bộ chủ chốt trong thôn phải đoàn kết, gương mẫu, luôn “gần dân, sát dân”. Thường xuyên nắm bắt tư tưởng, chăm lo đến các hộ gia đình chính sách, người có công; quan tâm các hộ nghèo. Tuyên truyền, vận động các hộ cùng xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa. Với sự chung sức đồng lòng của mọi người, kinh tế trong thôn ngày càng phát triển, thu nhập năm 2021 đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 27 hộ, an ninh trật tự được đảm bảo; toàn thôn không có tệ nạn xã hội; 191 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Dào San là xã tiếp nhận hòa giải nhiều vụ nhất của huyện với 67 vụ việc. Nguyên nhân chính là mâu thuẫn giữa các bên do lấn chiếm, tranh chấp đất đai. Có những vụ việc ở các tổ không hòa giải được, thì cấp ủy, chính quyền xã vào cuộc quyết liệt. Đồng chí Ma A Già - Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết: Mỗi khi tiếp nhận đơn của bà con, chúng tôi sắp xếp, bố trí thời gian để tiếp, lắng nghe ý kiến của dân; có sự tham gia của lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND, các đoàn thể, công chức phụ trách các từng lĩnh vực. Sau khi nghe các bên trình bày, chúng tôi phân tích cặn kẽ từng khía cạnh để người dân hiểu làm sao để đôi bên cùng có lợi. Ngoài ra, có những sự vụ, chúng tôi giải quyết dựa trên quy ước, hương ước của từng bản; cái “lý” của các dòng họ trong cùng dân tộc và giữa các dân tộc với nhau. Khi hiểu ra các vấn đề, bà con đều đồng thuận, nhất trí cao.

Hiện nay, toàn huyện Phong Thổ có 171 tổ hòa giải ở 17 xã, thị trấn với 940 hòa giải viên. Để công tác hòa giải cơ sở thực sự hiệu quả, ngoài việc nỗ lực cố gắng của các hòa giải viên, hàng năm, huyện quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở thông qua các hội nghị, lớp tập huấn ngắn hạn. Năm 2021, hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện tổ chức 2 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hòa giải cho 162 đại biểu là cán bộ, công chức xã, thị trấn phụ trách theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên. Năm 2021, các tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện Phong Thổ tiếp nhận 389 vụ việc hòa giải. Với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của hòa giải viên đã hòa giải thành 348 vụ; đang xác minh hòa giải 6 vụ. 2 tháng đầu năm nay, các tổ hòa giải tiếp nhận mới 2 vụ việc hòa giải liên quan đến tranh chấp đất nương, hiện đang xác minh hòa giải.

Tin rằng, từ những kết quả đạt được, các tổ hòa giải sẽ làm tốt nhiệm vụ, hòa giải thành các vụ việc. Qua đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc huyện Phong Thổ vững mạnh, làm động lực, tạo đà cho kinh tế - xã hội huyện vùng biên phát triển.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ph%C3%A1p-lu%E1%BA%ADt/ph%C3%A1t-huy-hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3-t%E1%BB%95-h%C3%B2a-gi%E1%BA%A3i-%E1%BB%9F-c%C6%A1-s%E1%BB%9F2022