PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI TÀI SẢN KHÔNG QUA THỦ TỤC KẾT TỘI PHẢI BẢO ĐẢM THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ VỚI LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

Theo TS. Nguyễn Đình Quyền - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho rằng, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Phòng chống tham nhũng, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và pháp luật chuyên ngành.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội là phương thức hữu hiệu trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản tăng thêm mà người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc hợp pháp, qua đó góp phần tăng cường công tác đấu tranh chống tham nhũng. Đây cũng là nội dung được khuyến nghị trong Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Trong nhiều năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm thích đáng đến công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), coi đây là nhiệm vụ chính trị cần phải thực hiện quyết liệt, liên tục, không ngừng, không nghỉ; các chủ trương, đường lối mang tính định hướng đó được thể hiện trong các Văn kiện, nghị quyết của Đảng luôn được cập nhật, hoàn thiện đáp ứng tình hình nhiệm vụ công tác PCTN trong từng giai đoạn. Đây là những quy định thể hiện rõ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác PCTN, trong đó thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, quan trọng được đề cập trong các quy định của Đảng về PCTN. Cụ thể là, “xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; thu sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng); “Thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự” trong công tác PCTN, “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng…” (Nghị quyết Trung ương 3 khóa 10); “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” (Nghị quyết số 04-NQ/TW và Chỉ thị số 04-CT/TW) …

TS. Nguyễn Đình Quyền - Nguyên Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội, Nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu lập pháp

TS. Nguyễn Đình Quyền - Nguyên Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội, Nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu lập pháp

Theo TS. Nguyễn Đình Quyền - Nguyên Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội, Nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu lập pháp việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề này là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của quá trình hoàn thiện pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Vấn đề đặt ra ở đây là, nội dung thể chế hóa bằng pháp luật phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác PCTN, thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua, tham khảo học tập có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài và quốc tế; vừa phải bảo đảm phản ánh một cách đúng đắn, toàn diện, đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối đó, vừa phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật về PCTN, tổ chức bộ máy nhà nước, pháp luật chuyên ngành, phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị mà công tác PCTN, thu hồi tài sản tham nhũng đang đặt ra, yêu cầu, đòi hỏi trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam; phải bảo đảm tính khả thi, khắc phục một cách có hiệu quả những hạn chế, tồn tại, bất cập trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tham nhũng, do tham nhũng mà có trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua; có tác động quan trọng vào công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tham nhũng, do tham nhũng mà có. Góp phần bảo đảm các đường lối, chủ trương của Đảng được hiện thực hóa, thực thi có hiệu quả trong thực tiễn công tác PCTN nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản do tham nhũng mà có nói riêng.

Do đó, TS. Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội phải thể chế hóa toàn diện, đúng đắn, đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề này.

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Quyền, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội phải quy định rõ nội hàm khái niệm, các dấu hiệu cơ bản của tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt (tài sản tham nhũng hoặc tài sản do tham nhũng mà có) làm cơ sở cho việc thu hồi. Pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội cũng phải quy định rõ, đầy đủ và cụ thể các hình thức và biện pháp thu hồi.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Quyền lưu ý, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật PCTN, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và pháp luật chuyên ngành.

Việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Các cơ quan, tổ chức này có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật tổ chức, pháp luật chuyên ngành. Đặc thù trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội là một việc nhưng lại do nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện.

Chính vì lẽ đó, để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi, khoa học thì các quy định của pháp luật về vấn đề này phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ với luật PCTN, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và pháp luật chuyên ngành, tuyệt đối không được chồng chéo, mâu thuẫn, trung lập dẫn đến làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác này trong quá trình tổ chức thực hiện. Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội chỉ là một trong những nhiệm vụ mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải thực hiện.

Do đó, khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực này cần bảo đảm sự liên thông, tương hỗ, liên kết chặt chẽ nhiệm vụ này với các nhiệm vụ khác trong quá trình các cơ quan, tổ chức này tổ chức thực hiện. Sự thống nhất, đồng bộ ở đây bao gồm sự thống nhất, đồng bộ về mặt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi trách nhiệm, hình thức, các biện pháp, cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện cũng như hậu quả pháp lý của việc thực hiện đó.

Quy định của pháp luật về một việc lại do nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện là một vấn đề rất khó, do đó việc nghiên cứu phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, thấu đáo, có tham khảo, học tập có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài để quyết định sao cho phù hợp, chặt chẽ và khả thi bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng, khoa học và thuận tiện cho quá trình tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Đình Quyền cũng đề xuất: (1) Pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội phải được quy định tập trung, thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao và ổn định; (2) Phải quy định rõ các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nhất là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức này trong công tác thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội; (3) Phải xây dựng cho được và quy định rõ, cụ thể về mối quan hệ phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; (4) Phải bảo đảm những nguyên tắc, nguyên lý phổ quát của nhà nước pháp quyền; nội luật hóa toàn diện các quy định của Công ước mà Việt Nam là thành viên; tham khảo, học tập có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, để nâng cao hiệu quả của việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản do tham nhũng mà có không chỉ chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua kết án hình sự, kết tội mà cần quan tâm tạo cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thu hồi tài sản không qua kết tội, kết án. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam còn thiếu các cơ chế cũng như tổ chức bộ máy, thực tiễn, kinh nghiệm để triển khai thực hiện.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới có thể sử dụng một trong bốn phương thức cơ bản để thu hồi tài sản: một là, thu hồi tài sản dựa trên truy cứu trách nhiệm hình sự, kết tội; hai là, thu hồi không qua kết án hình sự, kết tội; ba là, thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính, bốn là, kiện dân sự để thu hồi tài sản. Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội cần có sự liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa bốn phương thức này để tạo cơ chế thu thập, chia sẻ thông tin trong công tác phát hiện, xác minh, điều tra tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tài sản tham nhũng, do tham nhũng mà có./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78408