Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số
Trong 2 ngày 29 và 30/11, tại Geneva, Thụy Sỹ đoàn Việt Nam do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông dẫn đầu, đã tham dự Kỳ họp thứ 111 của Ủy ban Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) và trình bày Báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ 15 - 17, tính từ năm 2013-2019, theo hướng dẫn của Ủy ban.
Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc cơ bản
Trong bài phát biểu tại kỳ họp, Thứ trưởng Y Thông cho biết Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc chung sống trong đó 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với số dân hơn 14,119 triệu người chiếm tỷ lệ 14,7% tổng dân số cả nước.
Hiến pháp của Việt Nam đã ghi nhận quyền con người thay vì chỉ ghi nhận quyền công dân, dành riêng Chương II với 36 điều quy định trực tiếp và rõ ràng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bao gồm quyền của người DTTS và người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam.
Hiến pháp 2013 khẳng định “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng là cốt lõi của hệ thống hiến pháp và cũng được thực hiện thông qua các cải cách lập pháp có liên quan.
Nguyên tắc trên được quán triệt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam. Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản của chính sách đảm bảo quyền cho các DTTS.
Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, do phần lớn các DTTS Việt Nam cư trú ở các vùng miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nên đồng thời với việc xác định quyền bình đẳng trước pháp luật, nhà nước Việt Nam còn khẳng định ưu tiên hỗ trợ và tăng cường đoàn kết giúp đỡ tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực vươn lên hội nhập với sự phát triển chung.
Đây là nguyên tắc và là biểu hiện đặc trưng cơ bản trong chính sách dân tộc của Việt Nam và phù hợp với Khoản 4 Điều 1 Công ước CERD.
Vẫn theo Thứ trưởng Y Thông, các nguyên tắc và quy định về bình đẳng giữa các dân tộc được thể chế hóa trong pháp luật Việt Nam.
Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa hàng đầu của chính sách về quyền của các DTTS. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.
Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của Công ước CERD từ năm 1982 và kể từ đó đến nay đã 4 lần bảo vệ báo cáo quốc gia trước Ủy ban Công ước. Đây là lần thứ 5 thực hiện Báo cáo quốc gia. Báo cáo gồm 4 phần, 7 điều, 138 mục.
Ông Y Thông nhấn mạnh, từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào DTTS.
Trong 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các DTTS.
“Việt Nam khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc”, Thứ trưởng nêu rõ.
Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị về quyền con người, chống phân biệt chủng tộc. Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam cam kết tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này được thể hiện rõ tại Hiến pháp, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Trong công tác xây dựng pháp luật, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ trưởng thông báo, kể từ lần rà soát trước, Việt Nam đã phê chuẩn thêm 2 công ước về quyền con người là Công ước về Quyền của Người khuyết tật và Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Như vậy, hiện nay Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước quốc tế của LHQ về quyền con người.
Việt Nam tham gia tích cực các phiên đối thoại với các Ủy ban Công ước và nghiêm túc xem xét các khuyến nghị, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai tăng cường thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nhìn chung, trong các hoạt động hợp tác song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương về quyền con người, Việt Nam luôn tích cực, chủ động và có những đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên tinh thần đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, trong giai đoạn báo cáo quốc gia (2013-2019), các quyền dân sự chính trị của người DTTS được đảm bảo và thúc đẩy.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở cả bình diện quốc tế và quốc gia.
Thứ trưởng Y Thông nêu rõ, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền cho người DTTS và Người nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập Công ước CERD vào năm 1982. Hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam được xây dựng và phù hợp với các quy định trong luật pháp quốc tế.
Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS.
Theo Thứ trưởng, nhằm thực thi tốt hơn nữa với vai trò là thành viên Công ước, Việt Nam cam kết thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Công ước trong cả nước nói chung và đặc biệt vùng DTTS và miền núi nói riêng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong thực thi pháp luật, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội.