Pháp luật Việt Nam hiện đã có các quy định nhằm ngăn ngừa hành vi tra tấn

Pháp luật Việt Nam hiện đã có các quy định nhằm ngăn ngừa hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng hình sự, thi hành án hình sự. Các quy định này bao gồm quy định ghi nhận các quyền của các cá nhân có nguy cơ bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt, tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục...

Pháp luật Việt Nam hiện đã có các quy định nhằm ngăn ngừa hành vi tra tấn

Pháp luật Việt Nam hiện đã có các quy định nhằm ngăn ngừa hành vi tra tấn

Để triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn (Quyết định số 364/QĐ-TT). Tại mục II.2 của Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ xác định rõ một trong các nhiệm vụ lớn để triển khai Công ước Chống tra tấn là nội luật hóa các quy định của Công ước.

Theo đó, các Bộ, ngành của Việt Nam cần thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện Công ước chống tra tấn sau đây: Hoàn thiện quy định về các tội danh liên quan đến các hành vi tra tấn trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) phù hợp với nội dung định nghĩa tra tấn của Công ước;

Hoàn thiện các quy định có liên quan của Bộ luật tố tụng hình sự để đảm bảo tốt hơn quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành án hình sự; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án Luật tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định của Bộ luật dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo; Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, bảo đảm tôn trọng quyền con người khi thi hành công vụ;

Nghiên cứu, rà soát pháp luật về bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế để có điều chỉnh đồng bộ về bảo vệ các nhóm đối tượng này và phù hợp với Điều 16 Công ước chống tra tấn.

Thực hiện xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm và Kế hoạch nói trên, đến nay, khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước Chống tra tấn của Việt Nam đã được hoàn thiện hơn, thể hiện ở những nội dung sau đây:

Thứ nhất, ngoài quy định tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013, quyền không bị tra tấn hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người còn được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự…. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, nhiều đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến phòng, chống tra tấn hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, trong đó có: Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, Luật tố cáo năm 2018…. Ngoài các quy định ghi nhận quyền, các văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định cấm hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, chẳng hạn như quy định nghiêm cấm tra tấn, bức cung, nhục hình tại Bộ luật tố tụng hình sự (Điều 10), Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (Điều 4, Điều 8), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự (Điều 14)…

Thứ hai, Bộ luật hình sự đã được sửa đổi để phù hợp hơn với quy định của Công ước Chống tra tấn. Mặc dù chưa có quy định riêng về tội tra tấn, nhưng hiện nay, tất cả các hành vi có tính chất tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người theo tinh thần của Công ước đều bị coi là tội phạm. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật của Việt Nam có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với Công ước Chống tra tấn như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Luật sư cũng đã cho thấy Việt Nam có một hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền con người nói chung và chống tra tấn nói riêng tương đối đầy đủ, phù hợp với những nguyên tắc và tiêu chuẩn chung của Công ước Chống tra tấn. Về cơ bản có thể nhận xét rằng pháp luật Việt Nam đã có sự tương thích ở mức độ khá cao với Công ước Chống tra tấn.

Thứ ba, pháp luật Việt Nam hiện đã có các quy định nhằm ngăn ngừa hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng hình sự, thi hành án hình sự. Các quy định này bao gồm quy định ghi nhận các quyền của các cá nhân có nguy cơ bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt, tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, chẳng hạn như người đang bị tạm giữ, tạm giam (Luật thi hành tạm giữ, tạm giam), người đang chấp hành hình phạt tù (Luật thi hành án hình sự)...

Một số biện pháp ngăn ngừa cũng được thể hiện dưới hình thức các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức thực thi pháp luật, ví dụ như Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật công an nhân dân….

Thứ tư, pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận các quyền được khiếu nại, tố cáo và được bồi thường cho các nạn nhân của hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Các quyền này được ghi nhận trong Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước và một số văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam….

Thứ năm, việc bảo vệ quyền con người, quyền không bị tra tấn còn được quy định nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác như Bộ luật lao động, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật trợ giúp pháp lý, Luật trẻ em....

Quang Trung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phap-luat-viet-nam-hien-da-co-cac-quy-dinh-nham-ngan-ngua-hanh-vi-tra-tan-340968.html