Pháp lý hoàn thiện mở đường cho thanh toán điện tử tăng tốc

Mới đây, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP. Đây được coi là một văn bản quan trọng tạo 'bệ phóng' cho hoạt động thanh toán thời gian tới.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

Bổ sung nhiều nội dung mới

Nghị định số 52 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cơ quan chủ trì soạn thảo - đây là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan; góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Việc này cũng tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý.

Quy định cụ thể về vận hành, giám sát hệ thống

Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định về tổ chức, quản lý, vận hành và giám sát hệ thống thanh toán quốc gia và quy định về giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; bổ sung rõ hơn chức năng giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và dịch vụ thanh toán (Điều 4, Điều 33-35); bổ sung một số quy định chuyển tiếp hướng dẫn chi tiết đối với các trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính đã tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế…

Một trong những điểm mới của Nghị định 52 là bổ sung quy định về tiền điện tử (e-money); trong đó, định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử (Điều 3); quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước (Điều 6). Đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử, thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).

Việc hoàn thiện quy định pháp lý cho tiền điện tử tại Nghị định 52 sẽ góp phần ngăn ngừa, loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử (theo Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017).

Ngoài ra, Nghị định 52 còn các nội dung bổ sung quy định về thanh toán quốc tế; sửa đổi, bổ sung quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán; bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích (Điều 18-20). Nghị định 52 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

“Bệ phóng” cho hoạt động thanh toán

Với nền tảng pháp lý quan trọng là Nghị định 52 đã được Chính phủ ban hành, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có nhiều điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong 3 tháng đầu năm đã tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng. Trong đó có nhiều ngân hàng đã ký kết hợp đồng, đang triển khai thực tế: 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 60 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua thiết bị tại quầy.

Về làm sạch dữ liệu, đến nay đã có 24 tổ chức tín dụng đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline; 19 tổ chức tín dụng đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 7 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tín.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới cơ quan này sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng… Về mở rộng hợp tác thanh toán xuyên biên giới, theo Thống đôc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.

ÔNG PHẠM ANH TUẤN - VỤ TRƯỞNG VỤ THANH TOÁN NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM:

Một số mục tiêu đến năm 2025 đã vượt tiến độ

Tính theo bình quân toàn ngành, nhiều mục tiêu đã tiệm cận hoặc vượt mục tiêu đặt ra đến năm 2025: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Ngoài ra, 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường số ; 55% nghiệp vụ ngân hàng số hóa hoàn toàn; 49% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 66% số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện trên kênh số…

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; ứng dụng công nghệ trong công tác xử lý văn bản, quản trị điều hành. Các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn tiện lợi, tiết giảm chi phí. Đến nay đã có 57% các ngân hàng trong nước đã thí điểm và triển khai rộng rãi mô hình chi nhánh tự phục vụ cho phép khách hàng tự thực hiện.

ÔNG TRẦN NHẤT MINH - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC, KIÊM GIÁM ĐỐC KHỐI DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ NGÂN HÀNG VIB:

Giải pháp tài chính số cho doanh nghiệp SME là yêu cầu then chốt

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp SME Việt Nam, hiện có khoảng 873.000 doanh nghiệp SME chiếm 98% doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp vào tạo công ăn, việc làm cho người lao động. Dự báo doanh nghiệp SME sẽ tăng lên khoảng 2,4 triệu trong năm 2030.

Thị trường SME tại Việt Nam cũng ngày càng cạnh tranh và thách thức về tài chính từ tìm nguồn vốn khởi nghiệp, quản lý doanh thu, chi phí hằng ngày… Do đó, tối ưu hóa chi phí và nguồn lực sẽ trở thành vấn đề sống còn. Quản lý tài chính chưa bao giờ là việc dễ dàng đối với SME, họ cần giải pháp tài chính dễ dàng, tối ưu hóa quản lý thu chi…

Do đó, doanh nghiệp SME cần giải pháp vay vốn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn và dài hạn, cũng như các sản phẩm tiết kiệm linh hoạt có lãi suất cạnh tranh để tối ưu hóa lợi ích. Ngoài ra, khi mở rộng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp SME cần giải pháp hỗ trợ thanh toán, giải pháp tài chính bền vững. Về cơ bản, giải pháp tài chính số cho SME là yêu cầu then chốt để kinh doanh hiệu quả hơn.

Hoàng Long (ghi)

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phap-ly-hoan-thien-mo-duong-cho-thanh-toan-dien-tu-tang-toc-151600-151600.html