Pháp nói về vấn đề bạo lực cảnh sát tại châu Âu

Ngày 6/7, bà Laurence Boone, Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu khẳng định, tình trạng bạo lực của cảnh sát là vấn đề phổ biến ở các nước châu Âu, chứ không chỉ riêng Pháp.

Pháp khẳng định vấn đề bạo lực của cảnh sát đã từng xảy ra ở nhiều nước châu Âu. Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Pháp khẳng định vấn đề bạo lực của cảnh sát đã từng xảy ra ở nhiều nước châu Âu. Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Trả lời phỏng vấn, bà Boone chia sẻ: “Thực sự đã xảy ra một bi kịch, một bi kịch khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Chúng ta cũng đang thấy trật tự nhanh chóng ổn định trở lại, chúng ta hy vọng sự ổn định này sẽ lâu dài, không có những bi kịch và xáo trộn khác.

Điều này có phải chỉ xảy ra ở Pháp không? Không hề. Một thảm kịch tương tự đã xảy ra ở Anh vào năm 2011, điều tương tự cũng xảy ra ở Đan Mạch và… Thụy Điển”.

Theo Bộ trưởng Boone, Pháp không phải đối mặt với các vấn đề về an ninh do dòng người di cư tràn vào nước này.

Bà cho biết thêm: “Không có vấn đề an ninh nào ở Pháp. Đã có những cuộc bạo loạn và cướp bóc khủng khiếp... Nếu bạn đi bộ xuống phố, bạn sẽ thấy rất nhiều khách du lịch... Pháp là một trong những quốc gia đón nhiều khách du lịch nhất trên thế giới và khách du lịch rất được chào đón ở đây”.

Tuyên bố trên được bà Boone đưa ra trong bối cảnh nước Pháp vừa trải qua các cuộc bạo loạn sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên gốc Bắc Phi hôm 27/6 vừa qua.

Trước đó, phát biểu trước Thượng viện hôm 5/7, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin thông báo: “Trong các cuộc bạo loạn, 4.000 người đã bị bắt giữ, với độ tuổi trung bình 17. Khoảng 10% trong số đó không có quốc tịch Pháp, 60% trước đây không được cảnh sát biết đến”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, Paris vẫn sẽ duy trì mức độ cảnh giác cao trước những diễn biến liên quan tới làn sóng bạo loạn đã kéo dài trong gần một tuần vừa qua.

Theo Nghiệp đoàn giới chủ (MEDEF) - liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp, làn sóng biểu tình bạo loạn ở nước này đã gây nên thiệt hại nặng nề về kinh tế. Cụ thể, 200 cơ sở kinh doanh, 300 chi nhánh ngân hàng và 250 cửa hàng thuốc lá đã bị cướp phá.

Đến thời điểm hiện tại, thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa bao gồm thiệt hại đối với trường học, tòa thị chính và trung tâm cộng đồng.

Ngoài ra, người đứng đầu MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux cũng cảnh báo, thiệt hại sẽ còn gia tăng, khi lượng khách du lịch giảm trong mùa Hè này do lo ngại bạo loạn sẽ tiếp diễn.

(theo AFP, Sputnik)

Hạnh Lê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phap-noi-ve-van-de-bao-luc-canh-sat-tai-chau-au-233697.html