Phập phồng lo sạt lở mùa mưa
Vào đầu mùa mưa, nhiều địa phương tại ĐBSCL đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và tài sản của người dân
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 16 điểm sạt lở, làm mất 504 m bờ sông, rạch, ảnh hưởng đến 34 hộ dân, ước thiệt hại về tài sản hơn 362 triệu đồng.
Nguyên nhân từ con người
Bà Phạm Hồng Thủy (ngụ xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ sạt lở vào rạng sáng 27-5, kể: "Khoảng 4 giờ 40 phút, gia đình đang ngủ thì bỗng nghe nhà cửa rung rinh, chúng tôi liền chạy ra ngoài thì thấy đất sụp xuống nhánh sông Hậu, sạt lở gần tới mép nhà. Sợ quá nên mọi người trong gia đình kêu hàng xóm đến ứng cứu".
Vụ sạt lở trên có chiều dài khoảng 60 m, ăn sâu vào đất liền từ 4-5 m, ảnh hưởng đến 3 căn nhà. Nhiều người dân cho biết trước đây khu vực này từng xảy ra sạt lở và được gia cố khắc phục nhưng do nằm cặp nhánh sông Hậu, dòng chảy mạnh, nhiều phương tiện thủy có tải trọng lớn lưu thông và đang vào mùa mưa nên sự việc có thể tái diễn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, vào 2 ngày 5 và 6-12-2022 cũng đã xảy ra vụ sạt lở 4,5 ha đất tại ấp Bình Thuận 1 (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) làm 12 căn nhà của người dân chìm xuống sông Cổ Chiên, ước tính thiệt hại khoảng 35 tỉ đồng.
Qua kết quả phân tích các tài liệu khảo sát và thu thập được của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chính nhiều vụ sạt lở ở địa phương là do tác động của con người làm hạ thấp lòng dẫn; dòng chảy lũ, triều và suy giảm bùn cát từ thượng nguồn; tác động của sóng gió, sóng tàu thuyền.
ĐBSCL mỗi năm mất từ 300-500 ha đất
Tại TP Cần Thơ, trên địa bàn huyện Thới Lai liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở ở các xã Thới Thạnh, Tân Thạnh và thị trấn Thới Lai.
Mới nhất là vào khoảng 0 giờ ngày 24-5, phía bờ trái sông Ô Môn đoạn thuộc ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai đã sạt lở làm 2 căn nhà của người dân sụp xuống sông. Vị trí sạt lở có chiều dài 40 m, ăn sâu vào bờ 6 m, tuyến đường bê-tông ven sông bị sạt gây chia cắt giao thông qua khu vực, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Trước đó, vào đầu tháng 5 vừa qua, vụ sạt lở tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, làm 7 căn nhà cặp sông Cần Thơ bị ảnh hưởng, người dân phải di dời khẩn cấp, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu các quận, huyện tổ chức kiểm tra, rà soát bờ sông, kênh, rạch ngay trong đầu mùa mưa bão, kịp thời vận động người dân sống ở khu vực có nguy cơ cao di dời đến nơi an toàn; thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, xây dựng kè tạm, kè sinh học, nhằm hạn chế sạt lở xảy ra, bảo đảm an toàn giao thông, đi lại của người dân.
"Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, các ngành chức năng TP Cần Thơ tập trung tuyên tuyền, giáo dục cộng đồng, khuyến khích người dân bảo vệ cây cối ven sông, không chất tải, không xây cất nhà lấn chiếm lòng sông cũng như tránh việc khai thác đất, cát ven sông" - ông Hè nhấn mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐBSCL hiện có hơn 526 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 800 km. Trong đó có 57 khu sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 164 km, cần phải được xử lý để bảo đảm ổn định dân sinh. Trong những năm gần đây, vùng này mất từ 300-500 ha đất/năm vì sạt lở bờ sông, bờ biển, khiến hàng chục ngàn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Di dời các hộ dân đến nơi an toàn
Trong những tháng đầu năm 2023, nước biển dâng cao vào đất liền gây sạt lở bờ biển, làm ngập nhà và thiệt hại hàng trăm héc-ta hoa màu của người dân ở 2 ấp Đông Thành và Hồ Thùng, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Trước tình hình này, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư ấp Hồ Thùng và dự án xây dựng tuyến bờ bao ngăn triều cường khu vực Cồn Nhàn với tổng mức đầu tư 22,5 tỉ đồng. Khi công trình hoàn thành sẽ di dời các hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi an toàn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/phap-phong-lo-sat-lo-mua-mua-20230531224858444.htm