Pháp quyền & văn minh nhân loại

Ngay sau khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bầu giữ chức Tổng Bí thư, đồng chí Tô Lâm đã có bài viết: 'Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh', trong đó nhấn mạnh yếu tố 'Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật'.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Pháp quyền và thượng tôn pháp luật là những vấn đề đã có lịch sử hàng trăm năm, tưởng rằng phức tạp nhưng lại rất dung dị. Hơn thế kỷ trước, năm 1919, khi đang đi tìm đường cứu nước, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa ra đời, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bản yêu sách tới một hội nghị thế giới đòi các quyền tự do, dân chủ cho Nhân dân Việt Nam, trong đó đã nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi thực dân Pháp cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh, thay thế bằng các đạo luật.

Năm 1922, trong “Việt Nam yêu cầu ca”, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc khẳng định vai trò pháp luật bằng hai câu thơ: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Sau này, nói một cách nôm na, dễ hiểu, dễ nhớ, thì “pháp quyền” và “thượng tôn pháp luật”, đơn giản là lời kêu gọi, nhắc nhở mà ai cũng biết, ai cũng thuộc: “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước mà là một phương thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Xây dựng nhà nước pháp quyền là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, tùy thuộc điều kiện của mỗi quốc gia sẽ có một mô hình cụ thể. Tại nước ta, trong quá trình xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải luôn bảo đảm một số đặc trưng như: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, thống nhất, được tổ chức khoa học, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả. Nhà nước được tổ chức hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm, bảo vệ tốt quyền con người, quyền công dân. Hệ thống pháp luật dân chủ, văn minh, tiến bộ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, thực hiện nghiêm minh, nhất quán. Văn hóa pháp lý, văn hóa pháp quyền được coi trọng và phát huy sâu rộng;…

Nhìn lại quá khứ, có thể thấy rằng chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Hệ thống pháp luật đã bao phủ hầu khắp lĩnh vực, điều chỉnh hầu khắp hành vi. Trong cuộc sống thường ngày, từ cán bộ đến người dân, từ đời thực đến mạng ảo, văn hóa tôn trọng pháp luật luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu.

Có thể nói, pháp quyền là thành tựu của văn minh nhân loại, là biểu hiện về trình độ phát triển cao của xã hội. Xã hội càng hiện đại, vai trò pháp luật trong xã hội càng được đề cao. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật cũng vì thế ngày càng phải hoàn thiện, thực sự tiến bộ, hiện đại, vì con người, vì sự phát triển bền vững. Pháp quyền, thượng tôn pháp luật, vì thế là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần “xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phap-quyen-van-minh-nhan-loai-post520987.html