Pháp tăng cường lực lượng kiểm soát biên giới
Ngày 5-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo quyết định tăng gấp đôi lực lượng cảnh sát và quân đội để bảo đảm nhiệm vụ kiểm soát biên giới, nhằm ngăn ngừa hiệu quả mối đe dọa khủng bố, buôn người và nhập cư bất hợp pháp.
Ngày 5-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo quyết định tăng gấp đôi lực lượng cảnh sát và quân đội để bảo đảm nhiệm vụ kiểm soát biên giới, nhằm ngăn ngừa hiệu quả mối đe dọa khủng bố, buôn người và nhập cư bất hợp pháp.
Phát biểu trong chuyến thăm trạm kiểm soát biên giới Perthus ở tỉnh miền nam Pyréneés-Orientales giáp biên giới Tây Ban Nha, Tổng thống Pháp cho biết 4.800 cảnh sát, hiến binh và binh lính sẽ được huy động để tăng cường kiểm soát biên giới. Như vậy, lực lượng an ninh triển khai tại các trạm kiểm soát biên giới của Pháp sẽ gấp đôi so với hiện nay.
Theo Tổng thống Pháp, quyết định này được đưa vì mối đe dọa khủng bố gia tăng và các phần tử cực đoan có thể lợi dụng con đường nhập cư để hành động. Các cuộc tiến công khủng bố trong thời gian gần đây cho thấy những lỗ hổng trong sự phối hợp của các nước trong khu vực châu Âu, nhất là trong lĩnh vực tình báo và buộc các nước trong khu vực Schengen phải tăng cường biện pháp phòng ngừa.
Vụ tiến công khủng bố ở Nice vừa qua được thực hiện bởi một thanh niên người Tunisia. Thủ phạm đã tới Italy rồi sang Pháp để tiến hành vụ tiến công bằng dao mà không bị phát hiện.
Tiếp đó là vụ xả súng ở Thủ đô Vienne (Áo) do một chiến binh của Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành. Các cơ quan tình báo của Áo bị cho là đã bỏ qua thông tin cảnh báo do cảnh sát Slovakia cung cấp trước đó. Kẻ khủng bố đã có tên trong danh sách đen cần theo dõi, đã bị giam giữ nhưng sau đó lại được thả vào năm ngoái.
Nhằm ngăn ngừa kịp thời những nguy cơ khủng bố như vừa qua, Tổng thống Pháp đề nghị các nước thành viên của khu vực Schengen "tăng cường sự phối hợp trong công tác an ninh và kiểm soát nhập cảnh" nhằm ngăn ngừa hiệu quả các nguy cơ khủng bố. Ông Emmanuel Macron cho biết, sẽ đưa ra các đề xuất với Hội đồng châu Âu vào tháng 12, trong đó có vấn đề điều chỉnh các quy tắc đi lại tự do trong khu vực.
Liên quan đến vụ xả súng làm bốn người chết và 15 người bị thương ở Thủ đô Vienne, ngày 4-11, các nhà chức Áo đã thừa nhận thất bại trong việc theo dõi kẻ khủng bố. Hung thủ đã "đánh lừa" được chính quyền, tỏ ra hối cải sau khi được thả khỏi nơi giam giữ và bí mật chuẩn bị kế hoạch khủng bố. Sai lầm nghiêm trọng của cơ quan tình báo Áo là đã bỏ qua những thông tin do cảnh sát Slovakia cung cấp trước đó. Tính báo Slovakia đã phát hiện tên này cùng một nhóm Hồi giáo cực đoan người Áo khả nghi vì không có giấy tờ chính thức để chứng minh khi mua súng đạn.
Các vụ tiến công khủng bố ở Pháp và Áo trong mấy tuần qua là lời cảnh báo mới đối với châu Âu, hiện vẫn chưa có giải pháp và cách đối phó triệt để. Trước hiểm họa khủng bố Hồi giáo, châu Âu sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn để bảo vệ biên giới. Thách thức lớn nhất là vừa có thể tự vệ và mở rộng cửa với thế giới bên ngoài.
Theo thỏa thuận Schengen, 26 nước châu Âu cho phép đi lại mà không bị kiểm soát ở biên giới. Các nước thường chỉ tăng cường kiểm soát biên giới khi xảy ra tiến công khủng bố ở một nước thành viên. Tây Ban Nha là một trong những cửa ngõ chính cho những người nhập cư bất hợp pháp vào Pháp, đến từ Bắc Phi bằng đường biển.