Pháp tham vọng gì khi đến thăm vùng Vịnh giàu có?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm khu vực Vịnh Ba Tư giàu năng lượng vào thứ Sáu tuần này. Chuyến thăm này mang theo hy vọng sẽ ký được một hợp đồng vũ khí lớn và tăng cường vai trò của Pháp trong khu vực.
Chuyến thăm hai ngày tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar và Saudi Arabia diễn ra một tháng trước khi Pháp đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu và cũng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2022, trong đó ông Macron dự kiến sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
Lợi ích riêng của Pháp
Nếu ông Macron kết thúc chuyến thăm vùng Vịnh với hợp đồng bán máy bay chiến đấu của Pháp cho UAE, một thỏa thuận mà Paris và Abu Dhabi đã thảo luận trong gần một thập kỷ, đây sẽ là một động thái tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp sau khi hợp đồng Australia mua 12 tàu ngầm của Pháp trị giá 66 tỷ USD sụp đổ.
Và một chuyến thăm hiệu quả tới các ứng cử viên nặng ký về chính trị ở vùng Vịnh sẽ đưa Pháp trở thành một cường quốc đại diện cho EU ở Vùng Vịnh và Trung Đông kể từ khi Anh rời khỏi khối này.
Silvia Colombo, một chuyên gia về quan hệ EU - vùng Vịnh tại Viện Các vấn đề Quốc tế ở Rome cho biết: "Ông Macron nổi bật trong số các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu về sự sẵn sàng trở thành tâm điểm, thúc đẩy chính sách đối ngoại và thúc đẩy mọi thứ. Tuy nhiên, về cơ bản, ông Macron đang theo đuổi các lợi ích kinh doanh của Pháp. Ông ấy có một ý tưởng rất rõ ràng rằng phải đến nơi mà cộng đồng doanh nghiệp muốn đến, nơi mà Pháp có thể tạo ra lợi ích kinh tế".
Sự quan tâm sâu sắc của Macron trong việc tạo dựng mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo vùng Vịnh như Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Hoàng thái tử UAE, Hoàng Thái tử Mohamed bin Salman Al Saud..., khiến ông Macron trở thành một vị khách được chào đón. Cả hai nhà lãnh đạo vùng Vịnh này đều coi trọng sự thực tế khi thảo luận về dân chủ và nhân quyền, những vấn đề mà quốc gia của họ bị các nhóm nhân quyền và các nhà lập pháp châu Âu chỉ trích nặng nề, trong khi vẫn theo đuổi các cơ hội kinh doanh.
Pháp có quan hệ sâu sắc với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), một liên bang gồm bảy vương quốc tại bán đảo Ả Rập, đặc biệt kể từ sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001. UAE đã cho phép Pháp mở một căn cứ hải quân vào năm 2009 tại Cảng Zayed của Abu Dhabi. Các máy bay chiến đấu và nhân viên của Pháp cũng trú đóng tại căn cứ Không quân Al-Dhafra, một cơ sở chính bên ngoài thủ đô Abu Dhabi, nơi cũng có sự hiện diện của vài nghìn quân Mỹ.
Vài tháng sau khi ông Macron đắc cử vào năm 2017, ông đã đến UAE để khánh thành bảo tàng Louvre Abu Dhabi, được xây dựng theo thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD.
Vào tháng 9 năm nay, ông Macron đã tiếp đón Hoàng thái tử UAE tại lâu đài lịch sử Chateau de Fontainebleau ngoại ô Paris. Công trình này được trùng tu vào năm 2019 với khoản tài trợ 10 triệu euro (11,3 triệu USD) của UAE.
UAE và Pháp cũng ngày càng trở nên gắn kết với nhau do có sự ngờ vực chung về các đảng chính trị Hồi giáo trên khắp Trung Đông cũng như cùng ủng hộ một phe trong cuộc xung đột dân sự ở Libya.
"Cân não" vấn đề hạt nhân Iran
Một quan chức cấp cao trong đoàn của Tổng thống Pháp đã nói chuyện với các phóng viên trước chuyến đi rằng ông Macron sẽ "tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ những nỗ lực đóng góp vào sự ổn định của khu vực, từ Địa Trung Hải đến vùng Vịnh".
Quan chức này cũng cho biết căng thẳng tại vùng Vịnh sẽ được thảo luận, đặc biệt là các cuộc đàm phán hướng tới hồi sinh thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc trên thế giới, sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này năm 2018.
Các nước vùng Vịnh từ lâu đã lo ngại về tham vọng hạt nhân và ảnh hưởng của Iran trên toàn khu vực, đặc biệt là ở Iraq, Syria và Lebanon.
Quan chức Pháp trên cũng cho biết: "Đây là một chủ đề nóng" và ông Macron cũng đã thảo luận về các vấn đề này trong cuộc điện đàm hôm thứ Hai tuần này với Tổng thống Iran. Nhà lãnh đạo Pháp sẽ đề cập với vùng Vịnh về cuộc gọi đó và các vấn đề khác, bao gồm các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân ở Vienna. Khu vực này "quan tâm trực tiếp đến chủ đề này, giống như tất cả chúng ta, nhưng cũng vì họ là hàng xóm của Iran", quan chức trên cho biết.
Theo các nhà phân tích, Pháp cùng với Đức và Anh, cho rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - với một số chỉnh sửa nhỏ - là con đường đạt được sự đồng thuận với Iran. Trong khi đó, UAE và Saudi Arabia luôn phản đối gay gắt thỏa thuận từng được đàm phán thành công của phương Tây với Iran.
"Mặc dù các nước vùng Vịnh không thích thỏa thuận của phương Tây với Iran, nhưng viễn cảnh nó sụp đổ và không thể cứu vãn cũng là điều tồi tệ đối với họ. Và kịch bản đó có thể gây ra những rủi ro tồi tệ hơn", Jane Kinninmont, một chuyên gia về Vùng Vịnh thuộc tổ chức tham vấn Mạng lưới lãnh đạo châu Âu tại London cho biết.