Pháp tuyên bố không muốn bị Anh 'bắt làm con tin' về khủng hoảng di cư
Bộ trưởng Nội vụ Pháp tuyên bố, nước này sẵn sàng thảo luận nghiêm túc với Anh về khủng hoảng di cư trái phép, nhưng sẽ không để nền chính trị trong nước của Anh 'bắt làm con tin'.
Quan hệ Anh - Pháp, vốn căng thẳng về những tranh cãi liên quan đến quyền đánh bắt cá và các quy định thương mại hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), đã xấu đi nghiêm trọng hồi tuần trước sau thảm kịch lật thuyền chở người di cư trái phép, khiến 27 nạn nhân chết đuối ở eo biển giữa hai nước hôm 24/11.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 25/11 đã viết thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đề ra 5 bước hai nước có thể thực hiện để ngăn chặn các di dân thực hiện hành trình nguy hiểm vượt eo biển sang xứ sở sương mù. Một trong số đó là đưa những người di cư bất hợp pháp trở lại Pháp, khiến Paris vô cùng tức giận.
Pháp đã hủy mời Bộ trưởng Bội vụ Anh Priti Patel tới dự cuộc họp với những người đồng cấp châu Âu để thảo luận về vấn đề hôm 28/11, sau khi ông Johnson công khai bức thư trên Twitter.
"Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chứ không phải thế giới. Chúng tôi cần phải hành động nghiêm túc về những câu hỏi này ... mà không bị nền chính trị trong nước của Anh bắt làm con tin", Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin phát biểu trước báo giới sau khi gặp những người đồng cấp Bỉ, Đức và Hà Lan tại Calais.
Reuters dẫn lời ông Darmanin cáo buộc giọng điệu của London ở chốn riêng tư không giống trước công chúng. Quan chức này nói thêm, Pháp đã xử lý vấn đề di cư trái phép tới Anh suốt 25 năm qua và hiện là lúc London cần thức tỉnh.
"Nếu các di dân đến Calais, Dunkirk hoặc miền bắc Pháp, đó là vì họ bị Anh thu hút, đặc biệt là thị trường lao động dễ dãi, cho phép bạn có thể làm việc ở Anh mà không cần bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Nước Anh phải chịu trách nhiệm và hạn chế sức hút đó", ông Darmanin nhấn mạnh.
Theo ông Darmanin, dù cuộc họp với các đối tác châu Âu không đạt nhiều kết quả ngoài sự nhất trí thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa các lực lượng cảnh sát, nhưng Cơ quan Biên phòng và bờ biển châu Âu đã đồng ý cung cấp một máy bay giám sát đường bờ biển phía bắc Pháp từ ngày 1/12.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đã lên tiếng bảo vệ lá thư của Thủ tướng Johnson. Ông nói, Anh cần sự hợp tác của Pháp để ngăn chặn dòng di dân đang trốn chạy chiến tranh và sự nghèo đói từ châu Âu qua eo biển giữa hai nước.