Pháp xóa bỏ đoàn ngoại giao liệu có làm suy giảm năng lực của nền ngoại giao thứ 3 thế giới?

Lộ trình xóa bỏ cơ chế đoàn ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Pháp đang gây tranh cãi và lo ngại về nguy cơ suy giảm ảnh hưởng của nền ngoại giao có quy mô lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Pháp. (Nguồn: Diplomatie)

Bộ Ngoại giao Pháp. (Nguồn: Diplomatie)

Công báo Pháp ngày 18/4 đã đăng tải nghị định áp dụng cải cách hành chính đối với Bộ châu Âu và Ngoại giao. Nghị định này là một phần trong kế hoạch cải cách lực lượng quản lý hành chính cấp cao trong bộ máy nhà nước Pháp.

Chấm dứt cơ chế “sự nghiệp trọn đời”

Nghị định mới đưa ra lộ trình xóa bỏ cơ chế đoàn ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao. Cải cách này đã gây ra nhiều tranh cãi, phản ứng từ cán bộ ngoại giao, các cựu Đại sứ, cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Thủ tướng Pháp.

Đoàn ngoại giao Pháp là hệ thống gồm 2 cấp cán bộ hành chính (cố vấn đối ngoại và công sứ đặc mệnh toàn quyền) làm việc ở Bộ Ngoại giao Pháp và được biệt phái tại các bộ, cơ quan chính quyền trung ương và địa phương,182 đại sứ và 89 lãnh sự được bổ nhiệm ở nước ngoài.

Phần lớn họ là các chuyên gia cấp cao về các quốc gia, khu vực và các vấn đề quốc tế được tuyển chọn khắt khe và có kinh nhiều kinh nghiệm thực thế. Với tư cách là đội ngũ cán bộ cấp cao trong Bộ Ngoại giao, đoàn ngoại giao chính là nguồn lực để Tổng thống bổ nhiệm các đại sứ, lãnh sự.

Theo nghị định mới được công bố, 800 chuyên gia ngoại giao cao cấp đang thuộc biên chế của Bộ Ngoại giao Pháp sẽ được sáp nhập và dần xóa bỏ từ ngày 1/7/2022. Đến ngày 1/1/2023, họ sẽ được sáp nhập vào hệ thống các nhà quản trị cao cấp của nhà nước (administrateur d’État).

Việc xóa bỏ đoàn ngoại giao nằm trong chương trình cải cách hành chính công cao cấp được khởi động từ 2017, ngay sau khi ông Macron lên cầm quyền.

Theo chính phủ, mục tiêu của cải cách là nhằm chấm dứt cơ chế “sự nghiệp trọn đời” của tầng lớp hành chính cao cấp của nhà nước, tạo ra cơ chế tuyển dụng linh hoạt hơn và khả năng luân chuyển các cán bộ cấp cao này giữa các bộ và cơ quan của nhà nước thông qua các cơ chế mang tính bắt buộc.

Cũng trong kế hoạch này, Trường Hành chính quốc gia (ENA) nổi tiếng của Pháp đã được đổi tên thành Viện dịch vụ công quốc gia (INSP) từ tháng 1/2021.

Nhận nhiều phản ứng trái chiều

Tuy nhiên, các cải cách này lại không được các cán bộ ngoại giao ủng hộ. Sau khi kế hoạch được công bố tháng 10/2021, 150 cán bộ ngoại giao Pháp đã ký tên vào một bài viết đăng trên nhật báo Le Monde với tiêu đề “Trong một thế giới bất khả tri và phức tạp, ngoại giao sẽ còn là gì khi không có các nhà ngoại giao”.

Theo bài viết, việc xóa bỏ các phương thức tuyển dụng đặc thù vào Bộ châu Âu và Ngoại giao chính là tước bỏ những tài năng quý giá trong hệ thống ngoại giao.

Mặt khác, trong giao thiệp với các "đối thủ" như Nga, Trung Quốc... hay các đồng minh thân cận như Mỹ, Australia... đòi hỏi phải dựa vào một hệ thống những con người đã dành cả đời họ để hiểu và phân tích các mối quan hệ năng động này.

Một nhóm thượng nghị sĩ cũng công bố một thư ngỏ với các lập luận tương tự trên tờ Le Figaro vào tháng 1/2022.

Nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu Pháp lo lắng về nguy cơ suy giảm ảnh hưởng của ngoại giao Pháp vốn có quy mô lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Từ 2017 đến nay, các cải cách về ngân sách và hành chính đã đặt Bộ Ngoại giao trong tình thế phải thi hành “một chính sách đối ngoại lớn với nền ngoại giao nhỏ”, như lời cựu Đại sứ Michel Duclos.

Theo cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud (2014-2019), với cải cách này, Pháp sẽ trở thành cường quốc phương Tây duy nhất không có các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, điều mà lịch sử nhiều thế kỷ đã tạo nên cung cách chung như vậy.

"Đã đến thời bổ nhiệm (Đại sứ) theo kiểu Mỹ”, ông Gérard Araud nhấn mạnh.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Đại diện đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho rằng “cải cách này là một sai lầm”.

Việc xóa bỏ Đoàn ngoại giao nằm trong chương trình cải cách hành chính công cao cấp được khởi động từ 2017, ngay sau khi ông Macron lên cầm quyền. (Nguồn: Financial Times)

Việc xóa bỏ Đoàn ngoại giao nằm trong chương trình cải cách hành chính công cao cấp được khởi động từ 2017, ngay sau khi ông Macron lên cầm quyền. (Nguồn: Financial Times)

Ngoại giao Pháp gặp khó

Nếu như cải cách là mạch chủ đạo trong cách tiếp cận của Tổng thống Macron đối với hệ thống hành chính cấp cao của Pháp thì với ngoại giao, cải cách lại mang một sắc thái khác.

Từ nhiệm kỳ đầu của ông Macron (2017-2022), mối quan hệ giữa ngoại giao và Tổng thống đã không mấy suôn sẻ. Tháng 6/2018, nhật báo Le Monde tiết lộ một báo cáo nội bộ trình lên Bộ trưởng Le Drian cho rằng, trong khi Tổng thống Macron đang theo đuổi một chính sách đối ngoại đầy tham vọng thì Bộ Ngoại giao nước này đang đứng trước nguy cơ “nghèo hóa nền ngoại giao Pháp”.

Theo báo cáo, ngân sách Bộ Ngoại giao Pháp năm 2018 chỉ chiếm gần 1% ngân sách chính phủ và trong vòng 30 năm qua, bộ này đã phải cắt giảm 53% biên chế.

Cũng trong Hè 2018, Tổng thống Macron có ý định bổ nhiệm ông Philippe Besson, một nhà văn, làm Lãnh sự Pháp tại Los Angeles, Mỹ. Quyết định sau đó đã bị Tòa hành chính hủy bỏ do đơn kiện của Liên đoàn Lao động Dân chủ Pháp (CFDT) tại Bộ Ngoại giao.

Một năm sau, trong buổi họp báo trước thềm Thượng đỉnh G7 ngày 21/8/2019, Tổng thống Macron chỉ trích “sự tranh cãi vặt vãnh giữa các giới chức quan liêu và Nhà nước ngầm”.

Một tuần sau đó, ngày 27/8/2019, tại Hội nghị các Đại sứ thường niên tổ chức ở Paris, Tổng thống Macron phát biểu rằng “như một vài lý thuyết gia nước ngoài đã nói, chúng ta cũng có một nhà nước ngầm” nhằm chỉ trích Bộ Ngoại giao Pháp trong cách tiếp cận với Moscow.

Theo cựu Đại sứ Frédéric Baleine du Laurens, quy kết này là không có cơ sở và nghi ngại về mối quan hệ giữa Tổng thống Macron và Bộ Ngoại giao.

Cải cách các thiết chế hành chính nặng nề có truyền thống hàng thế kỷ ở Pháp có thể là cần thiết, và với cả ngoại giao khi nhiều ý kiến cho rằng Quai d’Orsay (tên đường đặt trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp) đang vận hành giống như một chiếc “bình kín” cổ kính.

Cựu Đại sứ Nicolas Normand cho rằng, việc thảo luận về cải cách đã bị giản lược hóa một cách hài hước và thậm chí bị chính trị hóa do cuộc bầu cử tổng thống.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Philippe de Villepin nhận định, việc xóa bỏ Đoàn ngoại giao vào thời điểm này đang “gây hại cho sự uy tín của Pháp và là một tác nhân làm suy yếu Nhà nước”, làm “mất độc lập, mất năng lực, mất ký ức... vào thời điểm tái định hình thế giới, vào thời khắc của các khủng hoảng lớn ở Ukraina, Biển Đông, Sahel... và khi mà giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa các nền dân chủ và chuyên chế đang tái thiết lập so sánh lực lượng”.

Việc ngoại giao Pháp gặp khó trong việc dự báo các khủng hoảng gần đây như liên minh an ninh 3 bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) tháng 9/2021, xung đột Ukraine đang diễn ra... phải chăng là chỉ dấu cho nhận định của cựu Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao de Villepin?

Vũ Đoàn Kết

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phap-xoa-bo-doan-ngoai-giao-lieu-co-lam-suy-giam-nang-luc-cua-nen-ngoai-giao-thu-3-the-gioi-182247.html