Pharmacity đang tìm nguồn vốn mới
Thông tin từ DealStreetAsia cho hay, Pharmacity đang chuẩn bị nhận vốn từ SK Group. Giá trị khoảng đầu tư dự kiến lên tới 100 triệu USD, và hiện đã tiến đến những vòng đàm phán cuối cùng.
Ra đời năm 2011, Pharmacity được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm với mô hình chuỗi hiện đại và tiện ích.
Sau 10 năm hoạt động, Pharmacity cho biết liên tục đầu tư vào vực chuyển đổi số, chú trọng vào dữ liệu thông minh để nâng cao tính tiện lợi và trải nghiệm khách hàng.
Tham vọng của Pharmacity là đến cuối năm 2021 là sẽ đạt được 1.000 cửa hàng. Tuy nhiên, mục tiêu này dường như cũng là một thách thức với chính ban lãnh đạo công ty.
Tính đến tháng 10/2021, Pharmacity mới phát triển được hơn 600 nhà thuốc ở 17 tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc. Ngoài ra, các chỉ số tài chính của Pharmacity cũng phần nào phản ánh thế khó của công ty.
Năm 2020, Pharmacity lỗ đến 421 tỷ đồng, gấp đôi con số của năm 2019. Theo đó, tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2020 vượt mức 1.000 tỷ đồng.
Điều này đòi hỏi công ty phải tìm thêm nguồn vốn mới, nhất là khi lĩnh vực bán lẻ dược phẩm đang thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư như: nhà thuốc Long Châu của FPT Retail (FRT), hay chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới di động (MWG).
Thông tin từ DealStreetAsia cho hay, Pharmacity đang chuẩn bị nhận vốn từ SK Group. Giá trị khoảng đầu tư dự kiến lên tới 100 triệu USD, và hiện đã tiến đến những vòng đàm phán cuối cùng.
Nguồn vốn mới được cho là sẽ giúp công ty tiếp tục mở rộng quy mô và đưa vào hoạt động các nhà thuốc mới ở nhiều địa phương.
Lần gần nhất, Pharmacity công bố gọi vốn thành công 730 tỷ đồng (tương đương 31,8 triệu USD) - khoản đầu tư của vòng Series C hồi đầu năm ngoái.
Trước đó, cuối năm 2019, Pharmacity còn gọi vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp khi hoàn tất phát hành việc 150 tỷ đồng. Trái phiếu phát hành là loại không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, lãi suất 13%/năm.
Về phần mình, SK Group từng tham gia mảng dược phẩm với việc mua 12,3 triệu cổ phiếu - tương đương 24,9% cổ phần của Dược phẩm Imexpharm, chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty này.
Ngoài ra, Tập đoàn Hàn Quốc cũng rót hàng tỷ USD để sở hữu cổ phần của Masan Group cùng các công ty con The CrownX, Vincommerce, và Tập đoàn Vingroup.
Một trong những yếu tố khiến các đại gia như SK Group quan tâm tới ngành dược Việt Nam bởi đây đang là thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á, là một trong 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất, với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao do thu nhập ngày càng cải thiện.
Hãng nghiên cứu thị trường IBM dự báo, quy mô ngành dược của Việt Nam có thể đạt con số 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và lên đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/pharmacity-dang-tim-nguon-von-moi-1638248980051.htm