Phạt 1 tỷ đồng chủ đầu tư 'chây ì' cấp sổ đỏ: Có đủ sức răn đe?

Nhiều người dân đang hy vọng Nghị định 91 có hiệu lực đầu năm 2020 quy định mức phạt đến 1 tỷ đồng nếu chủ đầu tư không làm thủ tục cấp giấy chủ quyền căn hộ cho người mua sẽ chấn chỉnh được tình trạng nợ sổ hồng, thất tín và chây ì của không ít chủ đầu tư.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là ngay cả khi chủ đầu tư bị phạt tiền tỷ thì “câu chuyện buồn” liên quan đến sổ đỏ có còn tiếp diễn?

Vẫn chưa đủ mạnh?

Dù đã có một khung pháp lý cụ thể để quy định xử lý đối với các sai phạm trong xây dựng, quản lý, mua bán nhà nhưng trên thực tế các chế tài xử phạt vẫn chưa đủ mạnh để khiến các chủ đầu tư phải tuân thủ. Các mức phạt từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng theo quy định nghe có vẻ lớn nhưng với quy mô dự án từ vài trăm tỷ thậm chí vài ngàn tỷ thì không ít chủ đầu tư thà vi phạm, chịu phạt chứ không muốn xử lý rốt ráo. Theo luật sư Trần Thị Khánh Hương - Văn phòng Luật sư Thiên Thanh, vấn đề ở chỗ chủ đầu tư đang mắc các vi phạm khác khiến dự án không đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Ví dụ như xây vượt tầng hoặc tìm mọi cách để bổ sung căn hộ chẳng hạn, khoản lợi nhuận từ đó sẽ thừa bù lại khoản tiền nộp phạt….

Người dân mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm chủ đầu tư chây ì trong việc cấp GCN cho cư dân. Ảnh minh họa.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai thừa nhận, cơ quan soạn thảo nghị định cũng đã cân nhắc đến việc lĩnh vực bất động sản là ngành có giá trị kinh tế cao, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng “vượt rào” để có lợi nhuận thì mức phạt 1 tỷ đồng là không đủ răn đe. Tuy nhiên, mức phạt tối đa 1 tỷ đồng của Nghị định 91 là thực hiện theo luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, việc phạt vi phạm hành chính mang tính chất giáo dục, răn đe là chính còn cao hơn sẽ là mức hình sự. Việc thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản phải tuân thủ nhiều luật pháp khác nhau. Ngoài ra, tại Nghị định 91 cũng có nêu rõ các hình phạt bổ sung cho mỗi hành vi vi phạm để đảm bảo tính giáo dục, răn đe, tránh chây ì.

Đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ bằng cách nào?

Để “vá” các lỗ hổng này, theo các chuyên gia, cần tạo ra khung pháp luật chặt chẽ, quy trách nhiệm rõ ràng, chế tài xử phạt nghiêm minh các chủ đầu tư cố tình trì hoãn cấp sổ chung cư cho người dân mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Đặc biệt, cần ngăn chặn từ gốc, tức là không cấp phép cho bất cứ dự án nào không bảo đảm điều kiện ngay từ đầu và phải kiểm tra, xử phạt thật nghiêm những dự án có dấu hiệu vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần rà soát lại quy định của pháp luật có liên quan để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp và hướng dẫn các cơ quan liên quan giải quyết các tồn tại của chủ đầu tư tại các dự án. Bởi thực tế, không ít chủ đầu tư thường ỷ lỗ hổng về pháp lý để nhờn luật, “cò quay” và không giải quyết dứt điểm quyền lợi chính đáng của cộng đồng cư dân. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn thách thức khách hàng kiện ra tòa vì cho rằng một vụ kiện thường kéo dài, tốn kém, người mua nhà không đủ nhân lực và tài chính để theo đuổi đến cùng.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), muốn đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ cho dân, cần cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính trong lĩnh vực đất đai các cấp theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và đặc biệt là phải tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát. Chỉ khi nào doanh nghiệp đặt chữ tín lên hàng đầu, thượng tôn pháp luật, tôn trọng khách hàng và hàng loạt chế tài nghiêm khắc như thu hồi giấy phép kinh doanh, hoặc khởi tố hình sự thì có chăng khi đó sổ hồng mới sớm về với người mua nhà.

Trong lúc chờ những quy định chặt chẽ, rõ ràng hay tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp thì chính những khách hàng là những cư dân tại các chung cư cần tự bảo vệ mình bằng tư duy “người tiêu dùng thông thái”, cân nhắc chọn những nhà đầu tư uy tín, có thương hiệu “tránh đặt niềm tin sai chỗ”.

Ngọc Thành

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-1-ty-dong-chu-dau-tu-chay-i-cap-so-do-co-du-suc-ran-de-post71204.html